Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Tin Lành Mỹ # Việt

By Thang Chu – August 5, 2015



Bởi ơn Chúa Tin Lành do các giáo sĩ Mỹ đem vào Việt Nam đã được 104 năm.  Nhưng có một điều khác nhau, hoặc chưa làm được, giữa Tin Lành Mỹ và Việt Nam: thực-thi-công-lý.

Với Tin Lành Mỹ, công lý (justice) là điều tối quan trọng hơn tất cả những điều gì khác trong giáo lý sống đạo Tin Lành.  Công lý là kết quả của trưởng thành tâm linh, đầy dẫy Thánh Linh, và việc luyện tập đời sống tin kính.  Như mục sư Bill Hybal tâm sự trong tác phẩm nổi tiếng của ông Too Busy Not to Pray,

Chúng ta phải đặt nghị sự về những ai bị gạt ngoài lề xã hội và những ai dễ bị hại và những ai không quyền hạn và không tiếng nói . . . Bạn à, chúng ta phải trở nên quyền hạn của họ và tiếng nói của họ.  Và chúng ta phải nâng họ lên, từng đời sống từng lúc.  Đây là cách thiên đàng thẩm nhập thế gian . . . Những giây phút tôi thấy sự tan vỡ thảm hại mà Đức Chúa Trời thấy, tôi được nhắc về những phước dư tràn Chúa đã cho tôi.  Và khi tôi hướng lòng nghe những thúc giục của Ngài, tôi tự thấy mình phải tận hiến giúp Ngài sửa lại một ít điều.  Nhưng tất cả khởi đầu bằng nhìn vào - thực sự nhìn vào - nỗi khốn khổ của người nghèo.”  (Kindle Edition, tr. 173-174)

Các hệ phái Tin Lành Mỹ đều nhấn mạnh về thực-thi-công-lý và trưng dẫn Kinh Thánh để ủng hộ chủ trương của mình. 

Hệ phái Giám Lý (United Methodist) thường trích Mi-chê 6:8,

       “Hỡi người, Ngài sẽ tỏ cho ngươi điều gì là thiện,
       Điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi ngươi,
       Không chi khác hơn là thi hành sự chính trực (justice),                                                               
            yêu bằng tình yêu trung kiên,
       Và bước đi với Đức Chúa Trời ngươi trong sự hạ mình
            thuận phục ý chỉ Ngài.  (Bản Arms of Hope)

Các hệ phái thuộc Trưởng Lão (Presbyterian) thường trích A-mốt 5:24,

       Nhưng hãy để cho sự xét xử công bình (justice) trào lên như nước,
            Sự chính trực (righteousness) như dòng sông không hề cạn.
                                                                                 
Thế nhưng sự nhấn mạnh thực-thi-công-lý này không được nhấn mạnh ở các hội thánh Tin Lành Việt Nam.  Why?  Có hai lý do chính:

1. Tin Lành còn “mới mẻ” ở Việt Nam (dù đã 104 năm) và số tín đồ quá ít (1,5% dân số) nên nhấn mạnh của hội thánh vẫn là tăng trưởng số tín đồ bằng truyền giảng, chứng đạo.

2. Tin Lành bị dạy sai là “Tin Lành không làm chính trị” vì hiểu sai chữ chính trị. 

Bây giờ chúng ta chỉ xoáy vào #2: “Tin Lành không làm chính trị” bằng cách nhìn vào Chúa chúng ta, Giêsu đấng Cứu Thế (Christ).

Chúa Giêsu luôn đối đầu với các đảng quyền lực và công khai chỉ trích gian ác của họ.

Chúa Giêsu đối đầu đảng Pha-ri-si, một thế lực tôn giáo, là thế lực ảnh hưởng nhất đối với người Do Thái lúc đó.  Chúa phán: “Khốn cho các ông là người Pha-ri-si, vì các ông dâng phần mười bạc hà . . . mà bỏ qua công lý” (Lu-ca 11:42).

Chúa Giêsu đối đầu với chuyên gia kinh luật, thế lực luật pháp.  Chúa phán:  “Khốn cho các ông giới chuyên gia kinh luật, vì các ông chất trên người khác những gánh nặng khó mang, còn chính các ông không động ngón tay vào” (Lu-ca 11:46).

Vì thế “khi Ngài rời khỏi đó, các người Pha-ri-si và các chuyên gia kinh luật rất căm giận, theo vặn hỏi Ngài đủ điều, rình rập để bắt bẻ từng lời nói của Ngài” (Lu-ca 11:53).

Chúa Giêsu đối đầu người Sa-đu-sê, là thế lực kinh tế.  Ngài phán: “Các ông đã lầm, không hiểu Kinh Thánh cũng như quyền năng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 22:29).

Chúa Giêsu đối đầu vua Hê-rốt, là thế lực quân sự bù nhìn.  Đây mới thực là ghê gớm! 

Nghe về mọi việc xảy ra, Hê-rốt, vua chư hầu, rất hoang mang . . . vua Hê-rốt nói: ‘Giăng ta đã chém đầu rồi, còn người này là ai mà ta nghe đồn người đã làm những việc như thế?’ Nên vua tìm cách gặp Đức Giêsu . . . Ngay giờ ấy, vài người Pha-ri-si đến thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy nên bỏ đây mà đi nơi khác, vì vua Hê-rốt muốn giết Thầy!’  Ngài đáp: “Hãy đi bảo con cáo ấy rằng…” (Lu-ca 9:9; 13:31)

Cuối cùng, Chúa Giêsu đối đầu quan tổng trấn Phi-lát của đế quốc La-mã, thế lực đô hộ.  Đây là trích đoạn một phần đối thoại.  “Phi-lát nói với Ngài, ‘Anh không chịu nói với ta sao?  Hãy nhớ là ta có quyền tha mạng hay đóng đinh anh.’  Đức Giêsu trả lời: ‘Ông chỉ có quyền trên Ta khi Đức Chúa Trời ban cho ông quyền đó.  Vì vậy người nộp Ta cho ông còn nặng tội hơn.’” (Giăng 19:10, 11)

Vậy, suốt ba năm hành đạo, Chúa Giêsu cùng các môn đồ Ngài phải đối đầu và phản kháng bất bạo động cùng lúc năm thế lực chính quyền bấy giờ: thế lực tôn giáo, luật pháp, kinh tế, quân sự, đô hộ.

Một câu hỏi cho bạn.  Bạn gọi Chúa Giêu là nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà canh tân xã hội, nhà tu hành, hay nhà gì?  Hay là tất cả?

Chúa Giêsu cũng đã hỏi câu này: “Còn chính các con thì cho rằng Ta là ai?”  Và phước cho Phi-e-rơ khi nhận ra căn cước Chúa: “Thầy là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống.”  (Ma-thi-ơ 16:15, 16).

Chữ “Cứu Thế” là nghĩa của chữ Christ, tiếng Hy-lạp, được phiên âm Ki-tô (dịch theo Công Giáo) hoặc Cơ-đốc (dịch theo Tin Lành).  Các môn đồ theo đấng Christ lần đầu tiên được người ngoại gọi là Ki-tô-hữu hoặc Cơ-đốc-nhân (Công Vụ 11:26).  Như vậy, nếu dịch theo nghĩa đấng Cứu Thế thì người theo        đấng Cứu Thế phải được dịch là Cứu-thế-nhân hoặc Cứu-thế-viên.  Tiếng Mỹ thì người theo đấng Christ là Christian.

Cứu-thế-nhân phải làm công việc đấng Cứu-thế giao họ làm.

Vậy người Tin Lành phải làm việc đấng Cứu-thế giao họ làm.  Mạng lịnh này lập tới lui rõ ràng như bàn tay có năm ngón,

“Thần Chúa ngự trên Ta vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ . . . công bố cho kẻ tù được phóng thích, cho kẻ mù loà được sáng mắt, cho người áp bức được giải thoát, và công bố kỷ nguyên thi ân của Chúa.” (Lu-ca 4:18-20)

Vậy ai biết điều lành mà không làm là phạm tội.  (Gia-cơ 4:17)

Con hãy nói lên thay cho những kẻ không quyền phát biểu;
Hãy nói lên quyền lợi của mọi kẻ cùng cực.
Hãy nói lên, hãy phán đoán công chính;
Hãy bênh vực quyền lợi của những người nghèo nàn, thiếu thốn.   
                                                                         (Châm Ngôn 31:8, 9)

Chỉ trong Cựu Ước thôi đã có tới 426 lần chữ mishpat - công lý (justice) -được lập lại.

Tin Lành Việt Nam cần suy nghĩ lại cách sống đạo và nhân sinh quan của mình, như Tin Lành Mỹ, để làm những gì Chúa Giêsu dám nói và phải nói, dám làm và phải làm.  Ta có thể đổi chữ chính trị thành công lý hoặc xã hội hoặc nhân quyền, thì Tinh Lành không làm chính trị nhưng làm công lý, làm xã hội, làm nhân quyền.

Tức là, Chúa Giêsu nói và làm sao thì Tin Lành bắt chước nói và làm vậy.  Chúa Giêsu lên tiếng trước cường quyền.  Tin Lành phải lên tiếng trước cường quyền.  Chúa Giêsu lên tiếng bênh người nghèo và người bị áp bức.  Tin Lành phải lên tiếng bênh người nghèo và người bị áp bức.  Chúa Giêsu lên tiếng cho công lý.  Tin Lành phải lên tiếng cho công lý.  Chúa Giêsu đối đầu năm thế lực tôn giáo, kinh tế, luật pháp, quân sự, và đô hộ.  Tin Lành phải đối đầu năm thế lực tôn giáo, kinh tế, luật pháp, quân sự, và đô hộ.  Chúa Giêsu không sợ chết.  Tin Lành phải không sợ chết; vì, “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn.  Thà sợ Đấng có thể hủy diệt cả linh hồn lẫn thân thể nơi hỏa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28).

Tức là, “Thật vậy, Ta bảo các con: Người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở lại cùng Cha” (Giăng 14:12).

Khi đó Tin Lành Việt Nam sẽ phát triển như Tin Lành Mỹ và Nam Hàn.  Khi đó Tin Lành Việt Nam sẽ là “muối của đất và ánh sáng của thế gian.”  Và khi đó, ngày Chúa Giêsu trở lại Ngài sẽ phán: “Giỏi lắm, anh là đầy tớ tốt và trung tín! . . Hãy vào chung vui với chủ anh” (Ma-thi-ơ 25:21).