Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Siêu Keo CCOGCTMM


by Thang Chu





www.mondoJesus.blogspot.com  Ở đời ta tìm thầy rất dễ vì hai lý do: 1) ai cũng muốn làm thầy nên thầy vô số, và 2) đóng tiền là có thầy nên thầy nhan nhản.

Nhiều người nói khủng hoảng trong đạo Tin Lành là khủng hoảng lãnh đạo.  Nhưng suy cho cùng, các hội thánh, từ mục sư, trưởng lão, chấp sự, đến tín đồ, không bị khủng hoảng lãnh đạo, nhưng khủng hoảng tình bạn.  Lãnh đạo mà không dám lãnh đạn tức là người lãnh đạo không phải là bạn.  Không phải bạn thì không dám lãnh đạn, không dám lãnh đạn thì không đáng lãnh đạo.  Không là philos.

Ta thường đem tình bạn Bá Nha & Tử Kỳ trong tích Tàu để ví tình bạn tri âm tri kỷ, nhưng kỳ thực đó chỉ là tình bạn ích kỷ tìm người hiểu mình để thỏa mãn tâm sự riêng.  Để học và hành và tìm tình bạn thật, muôn đời bất diệt, mãi là gương sáng, phải học từ tình bạn Đa-vít - Giô-na-than.

Như tiếng sét ái tình nam nữ, “Đa-vít vừa tâu xong với vua Sau-lơ, tâm hồn Giô-na-than liền gắn bó với tâm hồn Đa-vít, và Giô-na-than yêu mến Đa-vít như chính mình.” (1 Sa-mu-ên 18:1, Arms of Hope).  

Không cần uống máu ăn thề là điều ghê tởm với Chúa Trời, và máu thề đó dễ lắm mà phai thành nước lã, hai người liền “lập giao ước kết bạn với nhau” (c. 3). Và trong tình bạn chân thật luôn luôn phải có lời nói đi đôi hành động, “Giô-na-than cởi áo khoác đang mặc cho Đa-vít, cũng cho luôn binh phục, gươm, cung và đai thắt lưng của mình nữa” (c. 4). 

Đừng tưởng làm việc này là dễ!  Hành động trên của Giô-na-than là điều sinh tử, là chứng minh sẵn sàng sống chết cho bạn.  

Áo của Giô-na-than là áo bào hoàng tử khoác lên áo vũ cơ hàn của kẻ chăn súc vật bẩn thỉu tên Đa-vít.  Binh phục của Giô-na-than là binh phục dũng tướng oai nghi khoác lên y phục rách rưới của kẻ thường dân tiểu tốt tên Đa-vít.  Hơn tất cả, Giô-na-than lại trao luôn cả gươm, cung, và đai thắt lưng của mình cho người bạn Đa-vít.  Nghĩa là trao cả quyền hành quân sự và mạng sống mình cho Đa-vít, vì toàn binh sĩ Y-sơ-ra-ên không có vũ khí: 

Bấy giờ, trong cả xứ Y-sơ-ra-ên không tìm được một người thợ rèn, vì người Phi-li-tin tự bảo, ‘Phải cấm không cho bọn Hy-bá rèn gươm hoặc giáo.’  Toàn dân Y-sơ-ra-ên đều phải xuống mướn người Phi-li-tin mài lưỡi cày, cuốc, rìu, hoặc lưỡi hái . . . Vì thế, trong ngày giao tranh, không một người lính nào của Sau-lơ hoặc Giô-na-than có được trong tay một cây gươm cây giáo gì cả.  Chỉ vua Sau-lơ và con trai vua là Giô-na-than mới có. (1 Samuên 13:19, 20, 22)

Một tình bạn có một không hai!

Buổi sơ giao mà đã thắm thiết tình bạn như vậy, nên ngày tháng trôi qua tình sơ giao càng thành thâm giao. 

Với đôi uyên ương thì:

                     Yêu ai yêu cả đường đi
                Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng


Nhưng với đôi bạn đó thì, “Giô-na-than lập giao ước với Đa-vít và gia đình chàng . . . ‘Xin CHÚA ở giữa anh và tôi, giữa dòng dõi anh và dòng dõi tôi, mãi mãi’” (20:16, 42).

Với bí quyết gì mà đôi bạn đó giữ được tình bạn trung thành nới đến cả gia đình dòng họ? 

Với đôi uyên ương thì có trăng sao làm chứng:
           
                        Trăng thề còn đó trơ trơ
                   Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng


Rồi trăng tàn sao rụng thì tình cũng vội tung đôi cánh!

Nhưng với tình bạn Giô-na-than – Đa-vít, với tình bạn trong Chúa, thì nền tảng của lời thề đó là Chúa Trời đời đời không đổi, “Còn về lời hứa nguyện chúng ta đã hứa với nhau, có CHÚA ở giữa chúng ta mãi mãi” (20:23).

“Có CHÚA ở giữa chúng ta mãi mãi” (CCOGCTMM) đã khiến trong buổi chia ly, “Hai người bạn ôm nhau hôn và khóc nức nở cho đến khi Đa-vít  dằn được cơn xúc động” (20:41). 

CCOGCTMM đã khiến hoàng tử Giô-na-than sẵn sàng từ bỏ quyền tối cao, chức tối trọng của một vị vua tương lai khi dám công khai tuyên bố: “Chính anh sẽ làm vua dân Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ đứng thứ nhì, sau anh một bậc.  Ngay cả vua Sau-lơ cha tôi, cũng biết điều ấy” (23:17).

CCOGCTMM đã khiến đôi bạn trong cảnh sinh tử vẫn liên tục tái “lập giao ước với nhau trước mặt CHÚA, Đa-vít tiếp tục ở lại Hô-rết, còn Giô-na-than trở về nhà” (c. 18).

CCOGCTMM đã khiến Đa-vít viết điếu ca thương tiếc than khóc người bạn khiến người tình cũng ghen tỵ:

                          Anh Giô-na-than ơi! 
                          Vì anh, lòng tôi đau như cắt! 
                          Tôi quý mến anh vô cùng!
                          Tình bạn của anh đối với tôi thật tuyệt vời,
                          Hơn hẳn tình yêu của phụ nữ.
                          Than ôi, dũng sĩ nay ngã gục!
                          Vũ khí chiến tranh nay tan tành! 
                                                              (2 Sa-mu-ên 1:26-27)

CCOGCTMM đã khiến Đa-vít khi đã đăng quang ngôi vua vẫn không quên dòng dõi người bạn quá cố Giô-na-than: “Vua Đa-vít bảo: ‘Cháu đừng sợ.  Vì ông Giô-na-than, cha cháu, ta sẽ giữ lòng thành với cháu.  Ta sẽ trả lại cho cháu tất cả ruộng đất của vua Sau-lơ, ông nội cháu; hơn nữa, cháu sẽ dùng bữa cùng bàn với ta mãi mãi’” (9:7).

CCOGCTMM đã khiến hoàng tử Giô-na-than cứu mạng gã chăn chiên Đa-vít, để rồi lời tiên tri của Chúa Trời được ứng nghiệm: “Khi những người Pha-ri-si đang tụ họp với nhau, Đức Giê-su hỏi họ: ‘Các ông nghĩ thế nào về Chúa Cứu Thế?  Ngài thuộc dòng dõi của ai?’  Họ đáp: ‘Dòng dõi vua Đa-vít’” (Ma-thi-ơ 22:41, 42).

Không có nền tảng CCOGCTMM như Giô-na-than đã thốt, Đa-vít đã chết.  Và hết!  Cái tên Giê-su, danh xưng là Đấng Cứu Thế, chỉ là một huyền thoại giả tưởng.

Cho nên, không ai hiểu được tình bạn cho bằng Chúa Giê-su, con của Đa-vít, the son of David.

Tinh thần “Quân, Sư, Phụ” của Khổng Tử đã ngàn năm vun trồng lối sống nô lệ cho thói quan liêu của dân tộc Việt.  Nhưng tinh thần của Chúa Giê-su, tinh thần của Đấng Sáng Tạo, sẽ giải cứu dân tộc Việt, “Ta không gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ mình làm; nhưng Ta đã gọi các con là bạn hữu” (Giăng 15:15).

Chúa Giê-su muốn môn đồ Ngài biết việc Chúa làm, điều Chúa nghĩ, cách Chúa sống, nên Ngài gọi chúng ta là “bạn” để chúng ta là bạn.  Qua tình bạn, và chỉ qua tình bạn, thì danh Chúa mới được vinh hiển như qua tình bạn Giô-na-than – Đa-vít đã duy trì dòng dõi Đa-vít để làm vinh hiển danh Chúa Trời.

Ai cũng muốn làm thầy nên chẳng ai có bạn.  Ngược lại, nếu ai cũng muốn làm bạn thì ai cũng là thầy vì chính bạn là vị thầy dạy tình yêu thương, là bài học lớn hơn hết, khó hơn hết, vĩ đại hơn hết, như Chúa Giê-su tuyên bố: "Chẳng có tình yêu nào vĩ đại hơn là tình yêu của người chịu hy sinh tính mạng cho bạn hữu mình" (Giăng 15:13). 

Thật không dễ sống với tình bạn đó.  Nhưng Chúa Giê-su đã ra lịnh cho môn đồ sống vậy, thì môn đồ có thể sống vậy. 

Môn đồ Giăng, biệt danh "Con Trai của Sấm Sét" (Mác 3:17), khi thấy thiên hạ không tiếp rước thầy mình, ông liền xin lệnh, "Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ không?" (Lu-ca 9:54).  Thật kinh khủng khi người ta được ban cho quyền lực để làm lành nhưng lại sử dụng trong kiêu ngạo và tức giận!  Nhưng Chúa Giê-su lập tức quay lại khiển trách ông, "Các ngươi không biết tâm thần nào xui giục mình."

Chính con người ác tâm, hung hăng, hám danh đó sau này trở thành "sứ giả của tình yêu thương" phản ảnh qua những lời thư đầy nhân hậu và xả kỉ, "Đây là điều giúp chúng ta biết tình yêu thương là gì.  Ấy là Ngài đã hy sinh mạng sống mình vì chúng ta.  Vậy chúng ta cũng nên hy sinh mạng sống mình vì anh chị em." (1 Giăng 3:16).

Vấn nạn trầm trọng của dân tộc Việt là cha mẹ không là bạn với con cái, thầy cô không là bạn với học trò, chính quyền không là bạn dân.  Tệ hơn nữa, mục sư không là bạn hiền, tín đồ không là bạn tốt.  Đó là khủng hoảng tâm linh, dẫn đến chủ nghĩa độc tài chủ-tớ, chúa-tôi, thầy-trò, quan-quân.  

Chúa Giê-su đã có giải pháp cho khủng hoảng này.  Siêu keo CCOGCTMM, đã gắn chặt tình bạn Giô-na-than—Đa-vít, sẽ mãi còn tác dụng vì được sản xuất từ Đấng Tạo Hóa, là Đấng phán rằng: 

                       Nhưng ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên, tôi tớ Ta
                       Hỡi Gia-cốp, kẻ ta chọn lựa;
                       Là dòng dõi Áp-ra-ham, bạn Ta.
                                                                                Ê-sai 41:8


November 21, 2013

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Yêu Nên Phải Nói



 
by Thang Chu

“Vậy, ai biết điều lành mà không làm là phạm tội.”  Đó là lời dạy của thánh Gia-cơ, em Chúa Giê-su của chúng ta. (Gia-cơ 4:17, BDM Arms of Hope). 


Một trong những điều lành phải làm đó là lên tiếng chống kẻ ác đang làm điều ác.  Đây là điều rất khó vì phải trả giá rất đắc.  Có khi trả bằng sanh mạng.

Theo thánh Gia-cơ, rõ ràng không phải phạm tội mới là phạm tội.  Biết điều lành phải làm mà không chịu làm cũng là phạm tội.  Anh của thánh Gia-cơ, Chúa Giê-su của chúng ta, cũng lên án kẻ thấy điều lành mà không dám làm khi Ngài kể câu truyện người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10).  Luật pháp Mỹ chưa có, nhưng hầu hết các nước Châu Âu đều có luật Sa-ma-ri: Thấy điều lành mà không làm là phạm tội.

Trước khi dám hành động điều lành, phải dám nói lên điều lành và vạch trần điều ác.  Vì phải lên tiếng chống điều ác, thì mới dẫn đến hành động tiêu diệt điều ác.  

Thánh Gia-cơ cảnh cáo việc nói khoe khoang, “Nói như anh chị em là khoe khoang tự phụ, phàm khoe khoang như thế là xấu” (4:16).  Bài viết đây không bàn về việc nói khoe khoang.

Có người nói dám làm mới dám nói.  Thực ra, dám nói mới dám làm.  Vì chỉ có nói mà còn không dám nói, thì làm sao dám làm.  Nói dễ, làm khó.  Cái dễ mà không làm được, sao làm nổi cái khó.  Vì thế, dám nói mới dám làm vì dám nói tức là dám làm.  Vì dám nói là dám lãnh trách nhiệm lời nói của mình, dám đối đầu kẻ ác, dám chiếu ánh sáng vào tăm tối, dám vạch mặt face-off Sa-tan.

Động cơ mãnh liệt chính của dám nói là dám yêu.

Chúa Giê-su dám yêu con người nên dám nói vạch trần giới Pha-ri-si để lãnh án tử hình đónh đinh.  Sứ đồ Gia-cơ em Giăng dám yêu chân lý tin lành nên dám nói để lãnh án tử hình xử trảm (Công Vụ 12:2).  

Bạn và tôi có dám yêu để dám nói sự thật để nhận bản án nhè nhẹ không?  Khoan nói chuyện án nặng quá nặng như Đức Giê-su hoặc sứ đồ Gia-cơ!

Tôi dám.  Bây giờ mới dám!  

Trước khi tôi dám nói tôi dám thế nào, xin thuật việc sứ đồ Phao-lô dám nói cho Ti-mô-thê biết sự thật, “A-lịch-sơn, người thợ đồng đã làm hại ta nhiều.  Cầu xin Chúa báo ứng anh ta tùy theo việc anh làm.  Con cũng phải đề cao cảnh giác về người đó, vì hắn kịch liệt chống đối sứ điệp của chúng ta” (2 Ti. 4:14), và, “Có người vứt bỏ điều đó, nên đức tin bị chìm đắm.  Trong những người ấy có Hy-mê-nê và A-lịch-sơn, ta đã giao họ cho Sa-tan, để sửa dạy họ đừng phạm thượng nữa” (1 Ti. 1:19, 20).

Không những Phao-lô dám vạch mặt kẻ đã làm hại ông, tức là hại hội thánh Chúa, ông còn dám vạch mặt cả giới lãnh đạo là sứ đồ Phê-rơ khi phạm tội đạo đức giả, “Nhưng khi Sê-pha (Phê-rơ) đến thành An-ti-ốt, tôi đã công khai phản đối ông vì thật là đáng trách.  Bởi vì trước khi mấy người của Gia-cơ đến, ông vẫn ăn uống chung  với người ngoại quốc.  Nhưng khi họ đến thì ông rút lui và tách riêng ra vì sợ những người cắt bì.  Những người Do Thái khác cũng hành động đạo đức giả như Phê-rơ đến nỗi cả Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn hành động giả dối như thế.  Nhưng khi thấy họ không ngay thẳng theo chân lý của Phúc Âm tôi nói với Sê-pha ngay trước mặt mọi người: Nếu ông là người Do Thái mà sống như người ngoại quốc, không theo cách người Do Thái thì làm sao ông lại ép người ngoại quốc sống theo cách người Do Thái?” (Ga-la-ti 2:11-14).

Đã và sẽ có cỏ lùng mọc chung với lúa trong hội thánh.  Đó là điều huyền nhiệm chắc chắn theo lời Đức Giê-su (Ma-thi-ơ 13).  Đã và sẽ có Sa-tan đội lốt chiên hiền lành thậm chí thiên sứ sáng láng len lỏi vào hội thánh.  Vấn đề là chúng ta phải biết mưu kế của nó và chặn đứng hành động phá hoại hội thánh của nó trước khi bầy chiên tan lạc.  Để làm vậy, phải dám yêu để dám nói.

Hội thánh mới thành lập của chúng tôi đã bị hại và chiên tan lạc từ 35 thành 25 chiên và phải lưu lạc bốn địa điểm trong hai năm.  Tiếc rằng chúng tôi mới move về vùng này nên không ai dám yêu chúng tôi đủ để dám nói như Phao-lô về A-lịch-sơn để mục sư trẻ Ti-mô-thê cảnh giác, nên hội thánh Chúa phải lao đao một thời gian tưởng tan hàng rã ngũ.

A-lịch-sơn đó chính tôi đã gặp lại hôm nay trong lễ nhậm chức của mục sư Lâm Lý Trí.
Cũng lăng xăng chào hỏi người này, tiếp đón người kia, điều khiển người nọ.  Cũng áo vest thắt nơ,  chụp hình người này tay bắt người kia.  Thậm chí được một người đưa cho microphone theo chương trình đã định để hướng dẫn ca đoàn hát và cầu nguyện khai mạc!  Đến màn kịch đó tôi bỏ ra về và dám yêu đủ để dám nói với mục sư Trí, “This guy is a destroyer to the church of God.  I will pray for you and the church.  I did tell you about him already.”

A-lịch-sơn này đã len lỏi vào hội thánh chúng tôi, liên lạc ngầm với ban chấp hành hội thánh Mỹ chủ nhà, mượn video carmera của hội thánh Mỹ, mượn tiền và tài sản của hầu hết các con cái Chúa hội thánh Việt, mượn tiền người ngoại khi họ đến thăm hội thánh, nói xấu người này chia rẽ người kia, hẹn giúp đỡ người ta rồi không đến để người ta phải chờ cả tiếng đồng hồ.  Những điều đó chỉ là một phần nhỏ A-lịch-sơn này đã làm.  Ôi! Không biết bao nhiêu điều tệ hại kể không hết mà A-lịch-sơn này đã làm cho hội thánh lẫn từng mỗi con cái Chúa!  Nhiều hội thánh quanh vùng đây đã từng bị quấy rối: hội thánh Orange do mục sư Nguyễn Thỉ chủ tọa, hội thánh Thanh Lễ do mục sư Đoàn Linh.

Chính chị ruột của A-lịch-sơn này từng nói với tôi, “Mục sư phải cẩn thận đừng để cho nó làm gì trong hội thánh.  Nó đi đến đâu là phá tan hội thánh Chúa đến đó. Tôi là chị ruột nó mà nói vậy là mục sư hiểu rồi.”  Tôi trả lời, “Tôi luôn tin vào cơ hội thứ hai.”  Nhưng cơ hội thứ hai đó không bao giờ đến với A-lịch-sơn này, là người chuyên tìm đến những hội thánh mới thành lập để trục lợi và phá hoại, đặc biệt những hội thánh đang “xài ké” nhà thờ Mỹ.

Tôi viết bài này để gióng chuông cho các hội thánh, các mục sư, như Phao-lô đã cảnh cáo Ti-mô-thê về A-lịch-sơn xưa.  Và nay, A-lịch-sơn hiện đại này tên Mỹ là: Richard Hua, tên Việt: Hứa Trung Quý.  

Đêm nay tôi sẽ ngủ ngon hơn, vì biết mình đã thấy điều lành và dám làm điều lành bằng bước khởi đầu là dám nói.  

Vì yêu nên phải nói.  Không nói nghĩa là không yêu.  Và, vì không yêu nên không nói.  Tức là, yêu mới nói.

Bạn có muốn ngủ ngon đêm nay không?  Hãy dám yêu để dám nói trước khi lên giường gác đầu lên gối thay cho gác tay lên trán.

Sunday, July 14, 2013