Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Bốn Yếu Tố Phục Hưng


By Thang Chu – April 17, 2016


36 Tại thành Giốp-bê, trong đám môn đồ, có một người đàn bà tên là Ta-bi-tha, nghĩa là Đô-ca; người làm nhiều việc lành và hay bố thí. 37 Trong lúc đó, người đau và chết. Người ta tắm rửa xác người, rồi để yên trong một phòng cao. 38 Môn đồ nghe Phi-e-rơ đang ở tại Ly-đa, gần thành Giốp-bê, bèn sai hai người đi mời người đến chớ chậm trễ. 39 Phi-e-rơ đứng dậy đi với hai người. Khi tới nơi, người ta dẫn Phi-e-rơ đến chỗ phòng cao; hết thảy các đàn bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho. 40 Phi-e-rơ biểu người ta ra ngoài hết, rồi quì gối mà cầu nguyện; đoạn, xây lại với xác, mà rằng: Hỡi Ta-bi-tha, hãy chờ dậy! Người mở mắt, thấy Phi-e-rơ, bèn ngồi dậy liền. 41 Phi-e-rơ đưa tay ra đỡ cho đứng dậy; đoạn gọi các thánh đồ và đàn bà góa đến, cho họ thấy người sống. 42 Việc đó đồn ra khắp thành Giốp-bê; nên có nhiều người tin theo Chúa. (Công Vụ 9:36-40)


Lịch sử ghi lại trong đoạn Kinh Thánh trên thể nào bà Đô-ca ở Do-thái sống lại từ kẻ chết cho ta thấy bốn yếu tố phục hưng mà hội thánh ngày nay cần có.

Tình yêu thương.  Hội thánh quá yêu thương bà Đô-ca.  Đô-ca là phụ nữ làm nhiều việc lành và hay bố thí.  Bà còn bỏ tiền và bỏ công may áo cho các phụ nữ nghèo mặc nữa.  Thật là gương tốt cho cả bầy.  Ngày nay nhiều hội từ thiện mang tên Đô-ca (Dorcas). 

Cầu nguyện.  Chính tình yêu thương đối với bà Đô-ca mà hội thánh đã không ngại xa xôi đi từ Giốp-bê (nay là thành phố Jaff) đến Ly-đa (Lod) cách 27 km để mời sứ đồ Phi-e-rơ đang ở đó đến cầu nguyện cho bà Đô-ca đã chết, xác đã được tắm rửa và đặt trên giường chờ chôn theo phong tục người Do-thái.  Tình yêu thương này mãnh liệt đến độ họ không muốn mất đi một thánh đồ yêu dấu.  Phi-e-rơ gọi họ là các thánh đồ mà không cần giáo hội nào phong thánh (c. 41).  Tình yêu thương đã gia tăng đức tin họ để khẩn thiết cầu nguyện.

Phép lạ.  Và phép lạ luôn xảy ra qua lời cầu nguyện thúc đẩy bởi yêu thương theo lời Chúa hứa.  Thậm chí kẻ chết cũng sống dậy thì không hòn núi cao nào không bị dời đi!  Con người ngày nay có thể phá núi dời sông nhưng không thể khiến kẻ chết sống lại, tức là không thể tạo ra sự sống dù chỉ một cọng cỏ.  Nhưng quyền năng Phục Sinh làm tất cả.

Tin Chúa.  “Việc đó đồn ra khắp thành Giốp-bê; nên có nhiều người tin theo Chúa” (c. 42).  Cả thành phố sẽ trở về với Chúa khi họ thấy những chuyện siêu phàm xảy ra trong hội thánh.  Và chỉ có hội thánh Chúa mới có những chuyện kinh thiên động xảy ra bởi quyền năng Chúa Thánh Linh, là đấng được ban cho chỉ duy những người-theo-Chúa.  Không một tỉ phú hoặc một đại lãnh tụ hoặc thiên tài nào có được Thánh Linh nếu không tin Chúa. 



Để có phục hưng, theo trình tự này, nếu hội thánh:
·      Muốn có người tin Chúa, phải có phép lạ xảy ra trong hội thánh. 
·      Muốn có phép lạ, phải có cầu nguyện. 
·      Muốn cầu nguyện linh nghiệm thậm chí kẻ chết sống lại, phải có tình yêu thương.




Sắp đến 30/4.  Đã 41 năm trôi qua từ ngày người tị nạn đầu tiên đặt chân lên đất Tin Lành này, nhưng số người Tin Lành chỉ là 50 ngàn so với 1,8 triệu Mỹ gốc Vìệt.  Tỉ lệ 2.8%.  Còn ở ngay tại Việt Nam, tỉ lệ 1.4% trong đó người sắc tộc thiểu số chiếm 2/3 số tín đồ.


Chúng ta đã tìm ra nguyên nhân cho tỉ lệ quá ít ỏi này trong bài viết này.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Vì Đời Mà Có Đạo


By Thang Chu – April 6, 2016




Không có cuốn Kinh của bất kỳ tôn giáo thế giới nào như Kinh Thánh của Đức Chúa Trời của Chúa Giêsu, bị chỉ trích nhiều vì ghi chép nhiều chuyện bẩn thỉu, ô uế, ô nhục, dâm dục, phản bội, giết chóc, tàn sát, máu đổ, hận thù.  Có thể nói không chuyện xấu nào trên thế gian mà không có trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh có 260 chương.  Ngoại trừ hai chương đầu (của sách Sáng Thế) nói chuyện sáng tạo tuyệt đẹp không dấu vết tội lỗi và hai chương cuối (của sách Khải Huyền) nói chuyện tái tạo tuyệt vời không còn tội lỗi, thì 256 chương còn lại giữa bốn chương đó tường thuật đầy những chuyện xấu xa.  Tỉ lệ là 1,5% chuyện tuyệt đối tốt và 98,5% chuyện xấu xen tốt! 

Cũng vì đó mà Kinh Thánh là Lời Chúa.

Tại sao lạ vậy?  Tại sao lại không “xấu che tốt khoe?”  Tại sao “vạch áo cho người xem lưng?”  Tại sao Kinh đã Thánh mà lại không dùng từ ngữ đẹp và chuyện tốt gương tốt?

Vì đạo để cứu đời.

Mỗi một chuyện xấu trong Kinh Thánh đưa ra lại có một giải pháp thánh từ Đức Chúa Trời để giải cứu nhân loại.  Nghĩa là đạo phải quyện và tan chảy vào dòng đời như nước sạch phải pha hòa vào nước bẩn để lọc loãng cáu cặn.  Nước sạch càng vào nước bẩn càng ra. 

Có nhiều tín đồ chỉ trích Facebook của tôi vì post nhiều chuyện bẩn của xã hội như quan lại tham nhũng, công an đánh dân, v.v..  Lý do, như trên đã nói, là mỗi lần post chuyện bẩn tôi đều lồng vào Lời Chúa như thuốc giải độc. 



Cũng có người chỉ trích tôi sao lại post những chuyện xấu làm căng thẳng người đọc thay vì chuyện Chúa đầy yêu thương nghe nhẹ nhàng lơ lửng từng mây.  Rõ ràng anh chị em đó chưa hiểu tại sao Chúa Giêsu lại chấp nhận thập tự giá khủng khiếp trăm lần hơn lọt đồn công an hoặc sa vào tay ISIS!

Đặt biệt tôi thấy rõ khi post Lời Chúa lẫn vào chuyện xã hội thì số người đọc nhiều hơn!  Rõ ràng nước sạch phải bơm vào bình nước bẩn thì mới tác dụng rửa bình.

Là Chúa-tử (con Chúa), ngoài việc theo đuổi yêu thương, đức tin, kiên nhẫn và nhu mì chúng ta cần theo đuổi công chính righteous nữa (2 Ti-mô-thê 6:11).  Tân Ước liên tục lập lại chữ công chính 92 lần và Cựu Ước 157 lần đủ cho thấy tầm quan trọng của đức tính này. 

Là Chúa-tử chúng ta phải dám chỉ mặt bất chính thì mới nói lên công chính được.  Bao lâu bất chính còn mặt ẩn thì công chính chỉ là mặt ngoài.