Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Cầu Nguyện Là Gì? (Phần 6)

*(mondoJesus.blogspot.com) Cầu nguyện là hơi thở.
Chúng ta hay nói, “Khi nào có chuyện gì khẩn thiết cần Chúa giải cứu, tôi mới cầu nguyện, bình thường thì không.”  Rất đúng.  Nhưng xin hỏi, “Có khi nào bạn không cần Chúa?”  Chỉ ba phút không hít thở là bịnh trầm kha thể xác.  Cũng vậy, chỉ ba phút không cầu nguyện là bịnh tâm linh. 
Người bịnh tâm linh là người không còn được giao thông với Đấng Tạo Hoá (nếu không nói là chết tâm linh), dù thân thể vẫn đi đứng, ăn nói.  Đây là người mà Chúa Giê-su phán, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” 
Thật, nếu chúng ta không thể cầu nguyện với Chúa liên tục, hoặc ít ra mỗi ba phút để lấy “hơi,” thì cũng không thể cầu nguyện với Chúa mỗi khi gặp chuyện khẩn thiết.  Khi khẩn thiết đó, lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là van xin thần hộ mệnh giải cứu mình; vì, như trong các bài trước đã nói, cầu nguyện là tâm sự với Chúa.  Nếu chúng ta có người bạn thân để tâm sự, mà chỉ gọi người bạn đó khi cần tiền, thì chắc bạn ta sẽ buồn vô cùng.  Tiền, chứ không phải tình, là nhịp cầu tâm sự!
Chẳng lạ gì, Phao-lô nói, “Hãy cầu nguyện không thôi.”  Hay nói cách khác, cầu nguyện là hơi thở, vì chỉ có hơi thở mới ‘không thôi.’ Ngoài Chúa Giê-su, Phao-lô là người kinh nghiệm được chân lý này.  Ông là người vào sinh ra tử; đối đầu với vua chúa, với bạo quân, với các lãnh đạo thế tục lẫn tôn giáo.  Ông phải đối đầu với các anh em giả dối, là chồn cáo giả làm chiên lành, Sa-tan giả làm thiên sứ sáng láng, những perfect spy, điệp viên tuyệt hảo.  Làm sao Phao-lô có thể sống sót được trong những nghịch cảnh bão tố như thế, nếu không phải là cầu nguyện để nương cậy sức siêu nhiên từ Đấng Siêu Nhiên? Hãy nghe ông tường thuật cuộc chiến của ông:
Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn; bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhơn từ, bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình, bởi lời chân thật, bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả; dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết; ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!   (2 Côrinhtô 6:4-10)
Và Đấng Siêu Nhiên đó đã ban cho ông chiến thắng nhờ lời cầu nguyện, vì cầu nguyện là chiến đấu một cuộc chiến đã chiến thắng, đang chiến thắng và tiếp tục chiến thắng cho đến ngày đại thắng khi tiếng kèn chót thổi vang. 
Có thể cuộc chiến của bạn và tôi chỉ là một trong những cuộc chiến của Phao-lô.  Có thể bạn đang trong cuộc chiến kiêng ăn, hoặc thiếu thốn, hoặc hoạn nạn, hoặc đòn vọt, hoặc lao tù, hoặc tổng hợp vài chiến trận trên.  Có thể bạn bị ngó như kẻ phỉnh dỗ, như mang tiếng xấu, như gần chết, như bị sửa phạt.  Nhưng so với Phao-lô và những bạn đồng lao của ông, cuộc chiến của chúng ta không dữ dội và ác liệt như họ đâu.  Và cuối cùng, ông đã xong cuộc chiến và chiến thắng như lá thư cuối cùng của ông kể lại cho đứa con tâm linh:
Về phần ta, ta đang bị đổ ra như một của lễ quán, thời điểm ra đi của ta đã gần.  Ta đã đánh trận tốt đẹp, ta đã hoàn tất cuộc đua, ta đã giữ vững đức tin.  Giờ đây mão chiến thắng của sự công chính đang để dành cho ta.  Chúa, Vị Thẩm Phán công bình, sẽ ban nó cho ta trong ngày ấy; và không phải chỉ cho ta, nhưng cũng cho tất cả những người yêu mến sự hiện đến của Ngài.  (2 Ti-mô-thê 4:6-8)

Cầu nguyện cũng là hơi thở vì có hai tác dụng, thải và thu.  Như hơi thở thải ra độc khí và thu hồi dưỡng khí ô-xy cho sự sống, cầu nguyện thải ra độc ngữ và thu hồi lành ngữ cho sự sống của chúng ta, là những tiểu Giê-su, little Jesus. 
Trong cầu nguyện, chúng ta trút đổ tâm sự cay đắng lẫn ngọt bùi lên đôi vai oằn oại roi đòn của Chúa trước khi ta kịp thốt một lời dữ lên anh chị em mình.  Và thế, chúng ta giữ mình được trọn vẹn.  “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm.  Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia-cơ 3:2).  Cầu nguyện khiến chúng ta được là người trọn vẹn.
Đồng thời, như dưỡng khí ô-xy đem lại năng lượng cho tế bào thân thể, cầu nguyện đem lại năng lượng cho tế bào tâm linh. 
Gió càng to thì lửa càng lớn, vì gió đem ô-xy vào lửa.  Tế bào càng khỏe khi ta hít thở càng nhiều ô-xy.  Cũng vậy, đời sống tâm linh càng mạnh khi ta cầu nguyện càng nhiều vì cầu nguyện là hơi thở chứa ô-xy.
Giữa cuộc đời ba chìm bảy nổi, hay giữa sa mạc sáng nắng chiều khô, cầu nguyện không thôi giúp ta vươn lên không thôi như các “Nữ Hoàng Sa Mạc” tô điểm trần gian và đem vinh quang cho Chúa sau đây:*

Nữ hoàng vùng sa mạc

Nữ hoàng vùng sa mạc đẹp lung linh sắc thắm.
Có một loài hoa không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất. Đó chính là hoa xương rồng. Suốt đời sống ở những nơi khô cằn khắc nghiệt, đến nỗi lá phải biến thành gai, đến nỗi thân phải biến dạng thành những hình thù gân guốc xấu xí. Nhưng không vì thế mà xương rồng không nở ra những đóa hoa tuyệt đẹp. Những cánh hoa mềm mượt, óng ả với đủ sắc màu vẫn kiêu hãnh trong nắng gió.


































Nếu phải đổi lời ca tụng hoa xương rồng, từ lời giới thiệu trên, thành Cơ-đốc-nhân, thì chúng ta có thể nói như sau:
Có một loại người không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất.  Đó chính là Cơ-đốc-nhân.  Suốt đời sống ở những nơi khô cằn khắc nghiệt, đến nỗi tay phải biến thành chai, đến nỗi thân phải biến dạng thành những hình thù gân guốc xấu xí.  Nhưng không vì thế mà Cơ-đốc-nhân không nở ra những trái Thánh Linh tuyệt đẹp.  Những trái “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” với đủ sắc màu vẫn kiêu hãnh trong nắng gió.
Bí quyết của các Nữ Hoàng Sa Mạc là gì?  Cứ gieo mình trong nắng gió không thôi.  Bí quyết của các Cơ-đốc-nhân là gì?  Cứ gieo mình trong cầu nguyện không thôi.  Phần còn lại, là quyền năng của Đấng Yêu Thương.

by Thang Chu
February 28, 2012
* Note:  Cám ơn người chị em Tiêu Thị Lê đã gửi tôi “chân dung” các “Nữ Hoàng Sa Mạc”



Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Cái Tầm Thường Vĩ Đại

*(mondoJesus.blogspot.com) Trước đây tôi thích học hỏi từ những người học thức cao, địa vị lãnh đạo.  Nhất là thích đọc sách để học hỏi; có đến hơn ngàn cuốn. 

Hai năm gần đây điều đó đã  thay đổi.  Tôi nhận ra mình đã học nhiều hơn, rất nhiều hơn, từ những người yếu đuối nhất, âm thầm nhất.  Những người rất tầm thường xung quanh, thậm chí có người không bình thường theo thế nhân, mà tôi đã từng gặp.  Hân hạnh gặp. 

Thứ nhất là chị Năm.  Chị thường nói với tôi chị nhát lắm; không dám nói chuyện trước người lạ; không dám chứng đạo; không tài ăn nói.  Chị lại bị sức khỏe yếu lắm, hay mệt.  Năm 2006 chị xuýt chết vì cơn bịnh ngặt bác sĩ đã bó tay.  Chị chỉ còn khoảng 30 ký-lô và chờ ngày chết.  Nhưng Chúa đã cứu chị và cho sống đến nay để dùng chị cho một chương trình đặc biệt mà tôi tin  rằng sẽ thay đổi bộ mặt Cơ-đốc-giáo Việt Nam. 

Bà xã tôi thường nói với tôi trước khi tôi quen thân và gặp lại chị Năm sau 20 năm, ‘Ước gì em có đức tính như chị Năm, hiền lành, nhịn nhục, dịu dàng.’ 

Chúng tôi gặp lại nhau năm 2010 tại California.

Chị khăng khăng bảo chúng tôi phải đến thăm nhà thờ Báp-tít Thanh Lễ là nơi chị thường thờ phượng.  Lần đầu tiên chúng tôi đến đó nhằm buổi cầu ngyện.  Rồi Chúa cảm động hội thánh đó đồng ý xuất tiền cho tôi tham dự hội thảo khóa Huấn Luyện Môn Đồ với phí tổn $400/tuần tại nhà thờ Sarang Đại Hàn tổ chức hai lần một năm tại Nam Cali.  Chương trình đó đã thay đổi đời tôi vĩnh viễn, mở cánh cửa phục vụ mới mà tôi đã ước mơ và tìm kiếm từ lâu: Môn-đồ-hóa muôn dân qua huấn-luyện-môn-đồ. 

Và sau một năm rưỡi gian khổ dịch thuật sang tiếng Việt và dạy dỗ ở Mỹ, tôi đã đem chương trình này về quê hương để bắt đầu làn sóng ngầm.

Chị Năm hay thắc mắc tại sao Chúa lại đưa chị qua Mỹ tưởng ở luôn, nhưng lại trở về Việt Nam sau hai năm.  Tôi tin rằng Chúa đã dùng chị Năm cách ấy để dẫn dắt dân sự của Ngài.  Không có chị Năm, tôi không có ngày hôm nay với khải tượng mới và sức sống mãnh liệt.  Phải nói chị Năm đã ảnh hưởng lớn đến tôi, đúng như bà xã tôi nói.  Riêng đối với tôi, chị là nữ anh hùng.  Chị Năm là nhân tố phục hưng.

Thứ hai là chú Vũ.  Chú Vũ là em ruột tôi bị mất sức lao động từ lâu và sống tại Cali từ 1992 đến nay.  Một người yếu đuối trong những người yếu đuối. 

Ngày 20/04/2009 chú bị stroke.  Mười ngày tiếp tục cô-ma đến 30/4, các bác sĩ tuyên bố đầu hàng vì não đã liệt không thể hồi phục.  Bác sĩ nói tất cả tế bào cơ thể đều luôn tái tạo ngoại trừ tế bào não và quyết định rút ống thở cho chú Vũ ‘ra đi tự nhiên.’  Tôi kêu gọi các hội thánh cầu nguyện.  Bản thân tôi cũng cầu nguyện khi Ma-thi-ơ 21:22 đụng chạm mạnh mẽ lòng tôi dù đã đọc biết bao lần trước đây, ‘Trong khi cầu nguyện các con xin bất cứ điều gì bởi đức tin, điều đó sẽ được ban cho.’  Tôi hứa nếu Chúa trả lời thì tôi sẽ về Cali sống với đại gia đình gồm bố mẹ và năm anh chị em từ lâu đã không còn thờ phượng Chúa, thậm chí bố mẹ lập lại bàn thờ cúng hình tượng từ khi qua Mỹ.

Chúa đã trả lời sau năm ngày.  Thứ Ba ngày 5/5/2009, chú Vũ sống lại.  Không những không bị di chứng, chú Vũ còn làm chứng về Chúa cho bác sĩ, y tá, và bất cứ ai hỏi chú  làm sao sống lại và phục hồi những tật bịnh trầm trọng liên đới khác.  Chú chỉ trà lời đơn giản: Cầu nguyện với Chúa Giê-su. 

Qua biến cố này, cả đại gia đình chúng tôi đã trở lại với Chúa, dẹp bỏ hình tương, và sốt sắng chứng đạo.  Thêm nữa, riêng tôi đã về Cali và được gặp chị Năm như trên đã nói.  Hallelugia!

Thứ ba là chị Lan.  Chị Lan homeless từ 2009.  Có lẽ ai đi ngang phố Bolsa gần khu Phước Lộc Thọ cũng thấy chị đứng nhảy múa ngoài đường, ăn mặc như cải lương hồ quãng.  Nhưng có ai hiểu được vì sao chị như vậy không?  Có ai dừng lại nói hello với chị không?  Có ai cảm thương tìm hiểu chị không? 

Chúng tôi thờ phượng Chúa với chị, ngoài vỉa hè, từ tháng 3/2011 đến 1/2012.  Sau khi thờ phượng, chúng tôi ăn uống và hát những bài nhạc tình cảm ưa thích.  Với tôi, không một ca sĩ nào hát hay như chị.  Bài ruột của chị là ‘Tâm Sự Đời Lan.’  Mỗi lần chị hát tôi đều nhìn chị và khóc.  Một linh hồn đang cất tiếng than thở thống thiết.  Một nỗi lòng tâm sự đang trút lá đổ cây. 

Vượt biên qua Mỹ năm 1983, chị học highschool một năm rồi đi lấy chồng.  Tưởng tìm được hạnh phúc đơn sơ sau lần vượt biên sống chết, ngờ đâu sóng biển vừa ngưng thì sóng đời nổi gió.  Chồng chị rơi vào nghiện cờ ngập bạc, lại thêm cặp bồ lăng nhăng, bỏ lại chị với hai con thơ.  Chị đắm tàu từ đó và niềm vui giờ là nhảy múa phố Bolsa. Chị tâm sự với tôi, 'Không biết tại sao mỗi lần em thấy đàn bà đứng gần em là có tiếng nói trong đầu em rằng cô đó tính hại em. Em biết đó là ma quỷ nói nhưng em không thể tự chủ được nên cứ chửi bới.'

Bây giờ tôi hiểu tại sao Chúa luôn động lòng thương xót.  Chúa động lòng thương xót vì đoàn dân đông đảo bị ma quỷ ức hiếp và khốn đốn như đàn chiên không người chăn (Ma-thi-ơ 9:36). 

Dù có đọc bao nhiêu sách, có viết bao nhiêu trang, có chứng đạo bao nhiêu người, có lãnh đạo bao nhiêu hội thánh, mà không một lần tâm sự với những người như chị Lan, tôi cũng không thể hiểu một linh hồn quí hơn cả thế gian.  Hèn chi, các sứ đồ sai Phao-lô và Ba-ra-ba ra đi với một điều kiện, ‘Chỉ có điều họ muốn chúng tôi phải giúp người nghèo, điều đó tôi vẫn tích cực làm’ (Ga-la-ti 2:10).

Thật, những gì tầm thường lại dạy cho mình điều lớn lao nhất.  Vì từ đó, chúng ta được học phục vụ.  Phục vụ là vị thầy vĩ đại.


by Thang Chu

February 24, 2012

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Cầu Nguyện Là Gì? (Phần 5)

Cầu nguyện là chiến thắng.


Từ lâu, tôi khao khát viết blog để phơi bày cuộc chiến tâm linh nhưng chưa được, dù đã nhiều lần quyết tâm.  Đến khi quyết định tạo blog này tháng 10 năm 2011, thì, hỡi ôi, khám phá mình đã tạo blog này từ tháng 8 năm 2008 mà chưa hề viết một chữ!

Thế điều gì khiến tôi có sức mạnh để bắt đầu chiến đấu bằng ngòi viết?  Thật không ai ngờ sức mạnh đó đến từ sự yếu đuối vô cùng của một người vô cùng yếu đuối; yếu đến nỗi một thiếu niên chỉ cần bóp mũi cũng lấy được sinh mạng người đó.  Đó là bác Lân, Đoàn Hưng Lân. 

Đám tang bác Lân tháng 10 năm 2011 đã đem lại cho tôi nguồn cảm hứng không cưỡng được để bắt đầu viết.  Đáy huyệt của bác đã mở đáy thẳm lòng tôi. 

Ba hình ảnh khác nhau của bác Lân vẫn còn in đậm tâm trí tôi.

Hình ảnh thứ nhất năm 1984.  Bác và tôi cùng thờ phượng Chúa tại nhà thờ Tô Hiến Thành.  Dáng người bác thanh thanh, da trăng trắng, mặt hiền hiền như thi sĩ, cao trung bình, giọng nói nhỏ nhẹ rất cảm tình.  Vì ra tù cải tạo trước bố tôi, nên mỗi khi gặp tôi bác đều nói, “Bác luôn cầu nguyện cho gia đình con.”

Hình ảnh thứ hai năm 2000.  Tôi có dịp về Cali ghé thăm bác sau tám năm xa cách.  Lúc này bác đã bị liệt sau cơn stroke năm 1991.  Bác ngồi trên giường tiếp tôi.  Và trước khi chia tay, bác vẫn lập lại lời đó với giọng khàn khàn, “Bác luôn cầu nguyện cho gia đình con.”

Hình ảnh thứ ba năm 2010.  Tôi move về Cali vì giữ lời hứa với Chúa đã cứu người em tôi bị stroke chết rồi nhưng được sống lại.  Tôi ghé thăm bác Lân; lần này, bác nằm.  Bác nhìn chăm tôi, rồi ngọng ngịu, “Thắng, con ông Trung.” 

Trước khi về, tôi nắm bàn tay da bọc xương của bác, bàn tay đã từng đặt lên vai tôi để cầu nguyện, rồi nhắc lại lời xưa, “Bác luôn cầu nguyện cho gia đình con chứ?”  Bác nhìn tôi với đôi mắt đục và gật đầu.

Cái gật đầu của bác Lân là lời cầu nguyện siêu phàm như cái gục đầu của Chúa Giê-su sau khi thốt lời cầu nguyện chiến thắng, “Mọi sự đã được trọn.” 

Cái gục đầu của bác là lời cầu nguyện không thôi, không thôi suốt hai mươi năm liệt giường.  Hãy tưởng tượng mình làm gì trên giường bịnh hai mươi năm mà vẫn tỉnh táo?  Chỉ có thể là cầu nguyện.  Vì thế, đó là lời cầu nguyện của chiến thắng.  Chiến thắng hủy diệt; chiến thắng cô đơn; chiến thắng uất hận; chiến thắng đau đớn; chiến thắng tư tưởng.  Và chiến thắng quỷ vương.  Chiến thắng, vì nhờ lời cầu nguyện đó mà ba tôi đã ra khỏi tù sau 10 năm.  Chiến thắng, vì tôi đã thành mục sư.  Chiến thắng, vì con của bác cũng trở thành mục sư, mục sư Đoàn Hưng Linh.  Chiến thắng, vì em vợ bác cũng thành mục sư.  Chiến thắng; vì em trai bác cũng thành mục sự.  Chiến thắng, vì cả gia đình bác vẫn trung tín hầu việc Chúa.  Nhất là, chiến thắng vì vợ bác vẫn mạnh khỏe và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa dù phải chăm sóc chồng liệt hai mươi năm. 

Có người thích cầu nguyện hùng hồn và to tiếng trước đám đông cho người ta ‘té’ rầm rầm.  Nhưng bác Lân một mình ‘té’ rạp rạp trên giường để cầu nguyện cho nhiều người đứng rập rập.  Bác theo gương Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su càng nổi tiếng, thì lại càng cô đơn trong cầu nguyện.  “Tuy nhiên tin tức về Ngài đã được đồn ra khắp nơi . . . Còn chính Ngài, Ngài thường rút vào những nơi hoang vắng để cầu nguyện.”  (Lu-ca 5:15, 16).1  Như Chúa lên núi để cầu nguỵện, bác Lân lên giường để cầu nguyện.  Như Chúa vào đồng hoang vắng vẻ để cầu nguyện; bác Lân vào phòng bịnh hoang lạnh để cầu nguyện.   Như Chúa Giê-su dạy hãy đóng cửa phòng riêng để cầu nguyện, vì nơi đó Cha sẽ nghe và trả lời; bác Lân cũng đã hai mươi năm cầu nguyện nơi kín đáo nhất nên đã được Cha trả lời. 

Lời cầu nguyện của bác Lân đã đem lại chiến thắng cho Chúa.  Và, vì bác là người yếu nhất trong những người yếu nhất, nên lời cầu nguyện của bác là đại thắng.  Tức là, chỉ bằng lời cầu nguyện mà con người yếu nhất có thể thắng được những lực lượng mạnh nhất. 

Bác Lân đã cùng các thánh đồ dâng lời cầu nguyện chiến thắng.  Khi họ cầu nguyện, cả bầu trời vũ trụ phải yên lặng lắng nghe và trả lời:

Khi Chiên Con mở ấn thứ bảy, trên trời yên lặng khoảng nửa giờ. Tôi thấy bảy vị thiên sứ đứng trước mặt Đức Chúa Trời, và họ được ban cho bảy cây kèn. Một vị thiên sứ khác đến đứng trước bàn thờ, tay cầm một lư hương bằng vàng; vị ấy được ban cho nhiều hương thơm để dâng hương trên bàn thờ bằng vàng ở trước ngai với những lời cầu nguyện của tất cả các thánh đồ. Khói của hương thơm từ tay vị thiên sứ quyện với những lời cầu nguyện của các thánh đồ bay lên trước mặt Đức Chúa Trời. Kế đó vị thiên sứ ấy lấy lửa trên bàn thờ bỏ vào đầy lư hương, rồi ném lư hương đó xuống đất, thì có sấm nổ, âm vang, sét chớp, và động đất.    (Khải Huyền 8:1-5)

Xin đừng tưởng bác Lân là người yếu đuối.  Không, bác là người khổng lồ, chiến sĩ cầu nguyện.

Quả thật, cầu nguyện là chiến thắng.  Chiến thắng kinh thiên, động địa.

by Thang Chu
www.mondoJesus.blogspot.com
February 18, 2012

Notes:

(1) Bản 2011 từ www.vietchristian.com

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Chúa Chọn Tôi




Thời niên thiếu


Xuân 1975 là lúc thay đổi lớn lao cho gia đình tôi.

Bố tôi với cấp bậc trung tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu đi tù cải tạo không hẹn ngày về.  Mẹ tôi, đã quen lên xe xuống ngựa, giờ thì một mình nuôi tám đứa con tuổi từ sáu đến mười tám. 

Hai anh lớn phải bỏ học lớp cuối cấp đi làm công nhân bốc vác. Cuộc đời hai anh không vào tù ra khám thì cũng vào đồng ra ruộng, nên tôi cũng không gần gũi hai anh lắm. 


Còn hai chị tôi thì bỏ học nửa chừng vì mắc cỡ bị chứng ghẻ ngứa đầy mình.  Cả nhà tôi đều bị.  Một đứa bị, lây liền sang đứa khác.  ñứa này vừa lành, chưa kịp mừng, thì đứa vừa bị lại lây sang đứa lành.  Lành rÒi lại bị, bị rồi lại lành.  Nhà nhà bị.  Xóm xóm bị.  Cả thành phố bị. Nên ngườii ta gọi đùa là ‘ghẻ bộ đội.’ Người ta nói rằng ghẻ này lan tràn vì tình trạng thiếu vệ sinh nguồn nước; người thì nói thiếu dinh dưỡng; người thì nói cả hai.  Khi ấy tôi mười hai  tuổi nên chẳng để ý do đâu mà cả nhà tôi lẫn hàng xóm đều bị ghẻ, chỉ biết ghẻ thì ghẻ mình vẫn cứ chơi đánh thẻ!

Thế là tôi cứ lớn. 


Nhưng tôi không được gần bÓ vì các hàng rào tù ngăn cách.  Tôi cũng không được gần mẹ vì mẹ tần tảo bán buôn suốt ngày.  Có khi mẹ đi cả tháng trời mới về theo những chuyến hàng xa từ Sài-gòn ra tận Nha-trang, nơi ngoại ở. Tôi cũng không gần hai anh như đã nói.  Còn hai chị thì cứ la tôi suốt ngày để dạy dỗ em thế cha, thế mẹ, thế anh.  Đứa em gái chẳng thèm chơi với tôi đâu.  Còn hai đứa em trai cũng có bạn nhóc tì riêng rồi.  Thế là tôi cứ lớn với trái banh nhựa và quen dần cơm trộn củ sắn hoặc bo bo vàng nghệ.  Ấy thế mà chả bao giờ tôi phải bệnh vào nhà thương cả!  Cám ơn Trời!

Rồi kinh tế mỗi ngày một khó khăn hơn khi của chìm của nổi đã cạn ráo.  Một mình mẹ không lo nổi cho tám đứa con, nhất là phải thăm nuôi hai đứa con trai lớn nhất ở tù cải tạo vì có tên trong sổ đen cách mạng. Chưa kể phải lo thêm thăm nuôi chồng tận ngoài bắc tỉnh Vĩnh Phú.  Hai chị lớn, chỉ hơn tôi hai và ba tuổi, cũng đã nghỉ học và bắt đầu phụ mẹ kiếm chút đỉnh tiền thêm. Thế mà vẫn chẳng đủ vào đâu.  Vẫn cứ cạp khoai nuốt sắn.  Vẫn ngậm hoài ‘bánh xe lịch sử’ (bột mì hấp hơi).  Để có thêm chút cháo, dù thương con, mẹ phải đánh thức tôi dậy sớm lúc 4 giờ sáng để phụ mẹ đạp xe đi lấy tàu hủ về bán kip phiên chợ sớm mai trước giờ tôi đi học.

Thế là tôi cứ lớn. 


Tôi cứ lớn như cây tre đầu ngõ mà mẹ kể rằng khi tôi vừa sanh ra thì người ta cũng bắt đầu trồng nó.  Mẹ dặn kĩ vậy để tôi và mấy đứa em biết nhìn cây tre ấy làm điểm mốc vô nhà khỏỉ sợ lạc. Có điều khác nhau giữa tre với tôi là tre cứ lột vỏ xanh tươi, còn tôi cứ mặc quần vá đít hai mảnh bự dù đã vào lớp 10.  Thế mà không mắc cỡ mới lạ!  Chắc tôi cứ bận chuyện chơi đá banh, đi học, đi bán hàng rong phụ mẹ, đi thăm nuôi bố và hai anh, đi thăm bệnh mấy đứa em, đi xếp hàng mua gạo, và nhiều chuyện nặng nhọc cần đến con trai như vậy, nên chẳng màng gì đến quần thủng đít!

Và cứ thế mà tôi lớn. 

Lớn trong thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần của đứa con có cha mà như mồ côi; có mẹ mà mấy khi được thấy mặt; có hai anh đầu đàn mà như thuyền không lái; có hai chị mà cứ mặc quần thủng đít!  Có lẽ tôi lớn lên trong hoàn cảnh như vậy nên thường hay suy nghĩ về cuộc đời mà không biết phải hỏi ai.  Nhất là lần thi đại học đầu tiên tôi bị rớt vì không phải là học sinh xuất sắc đủ để vựơt qua đựơc hàng rào 'thi lý lịch.'  Một năm trời chờ đợi kỳ thi tới khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời; cố tìm cho mình một nhân sinh quan, vũ trụ quan; với hy vọng tâm hồn sẽ xin được hai chữ bình an.


Tuổi Thành Niên

Rồi tôi cũng vào được đại học.  Mà không hẳn vậy, tôi thi đậu cao đẳng sư phạm thì đúng hơn vì tôi lý lịch thứ 12 lận, chỉ hơn lý lịch bố tôi một điểm, thứ 13, là lý lịch những sĩ quan chế độ cộng hoà Việt Nam còn đang tù cải tạo. 


Trong môi trường sinh viên mới này có bốn biến cố lớn cho đời tôi.

Ngày tựu trường đầu tiên có cả mấy trăm sinh viên khoa sư phạm khóa bảy ngoại ngữ Anh và Nga đứng xếp hàng chờ đọc tên xếp lớp.  Đa số là nữ sinh viên, khoa ngoại ngữ mà!  Vậy mà tôi chỉ thấy một cô có cái gì hay hay, dễ thương, chắc là đẹp, thấy thích liền, và lòng thầm mong sao cho mình được xếp chung lớp với cô ấy.  Trời không phụ!

Thế là tôi có cả trăm cơ hội làm quen với Ánh Hòa. (Tên giả trong câu chuyện này).  Cả nhà cô đều sùng đạo Phật.  Hai chị tu xuất gia, một chị và mẹ cô tu tại gia.  Nhà Ánh Hòa như một ngôi chùa, đầy những tựơng và nhang đèn.  Không khí Phật giáo và sinh hoạt của các Phật tử trở thành quen thuộc với tôi, vì hầu như tuần nào tôi cũng ghé chơi nhà Ánh Hoà ít nhất ba buổi, lấy lý do trau dồi sinh ngữ!

Biến cố thứ hai, cùng thời gian này, tôi gặp anh bạn lớp kế bên cùng ngành Anh Văn, anh Hàm.  Anh Hàm thấy tôi lúc nào cũng trầm ngâm suy nghĩ, ít  nói, ít cười, chỉ mê bóng chuyền và đá banh, nên anh làm quen với tôi (theo như lời anh kể lại sau này).  Anh Hàm hơn tôi vài tuổi nên tôi thường nói chuyện triết lý với anh.  Anh biết tôi quen nhiều Phật tử nên giới thiệu tôi với anh Đăng, một tay thiền nổi tiếng.

Bây giờ nhớ lại anh Đăng, tôi thấy rõ mồn một hình ảnh anh như mới hôm qua vậy.  Đầu trọc như nhà sư, nhưng quần áo thì không phải sư.  Nói năng hay như thuyết pháp khiến tôi nghe anh nói mãi không chán.  Khi anh ngồi thiền, trông thật thiêng liêng và dũng mãnh.  Anh nhiều lần dạy thìền cho tôi.  Thế là tôi lại có thêm cơ duyên nữa bước chân vào thế giới Phật giáo qua thiền định với hy vọng tìm giải thoát như lời Phật dạy. 

Thời gian hai năm sinh viên, ai muốn tìm tôi chỉ cần đến ba chỗ: Sân banh trường cao đẳng sư phạm số 6 An Dương Vương; nhà Ánh Hoà là nơi tôi nghe thuyết pháp với tư cách 'trau dồi sinh ngữ;' và nhà anh Đăng là thần tượng thiền của tôi.  Ngoài ra, mỗi Chủ Nhật, tôi cũng thường lãng vãng viện Phật Học đường Võ Duy Nghi bên kia cầu Kiệu.  Nơi đây tôi gặp nhiều hòa thượng và thượng toạ.  Tôi có dịp mượn kinh kệ và nghe các thầy thuyết pháp.  Phải nói thời kì này tôi như thái tử Tất Đạt Đa băn khoăn với ý nghĩa cuộc đời và mong tìm chân lý giải thoát.  Chỉ khác một điều, Tất-Đạt-Đa bêy tay có muôn vàn mỹ nữ; tôi sinh viên nghèo  chỉ dám mơ ước mối tình xa:

'Này các Tỳ kheo, ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị; các hồ nước được xây lên, một hồ trồng hoa sen xanh, một hồ sen đỏ và một hồ sen trắng . . . Đêm và ngày, lọng trắng được che trên đầu ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ, sương.  Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ và một cái cho mùa mưa . . . Các vũ công đàn hát múa xung quanh ta . . .'  Nhưng những hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa đựơc những ưu tư của người có ý chí xuất trần.1

Biến cố thứ ba xảy ra khi tôi gặp chị Tiêu Thị Lê.  Trước khi kể thêm, phải kể đến biến cố lớn xảy ra trước đó trong gia đình tôi: Mẹ tin Chúa.

Thật là khó tin khi mẹ bảo tôi chở mẹ đi nhà thờ.  Khó tin vì bố mẹ rất sùng đạo Phật.  Tôi còn nhớ khẩu hiệu bố dán cửa tủ quần áo của bố, 'Là Phật-tử chúng ta hằng suy ngẫm lẽ vô thường, đêm đêm tinh tấn đối diện với sự chết đang rình rập trong từng hơi thở.  Không nuối tiếc những gì đã qua.  Không kháo khát những gì sắp đến.'  Còn mẹ thì ngày nào cũng thắp nhang khấn khứa cả ba bàn thờ: Phật, thần tài, ông nội và ông ngoại tôi.  Mẹ cũng hay mời sư về tụng kinh gõ mõ.  Còn giỗ thì làm rùm beng dù không tiền bạc chi cả.  Thậm chí mượn nợ để cúng xôi cúng gà và mời tùm lum người lại. 

Thế mà vừa khi tin Chúa mẹ dẹp hết sạch không còn một hình tượng nào sót lại ngoại trừ hình ông bà được treo trên tường để con cháu tưởng nhớ ghi ơn.

Tại sao mẹ tin Chúa tôi cũng không biết.  Mẹ hay nói với tôi thái tử Tất-đạt-đa cũng chỉ là người rồi tu thành Phật chứ chẳng thể làm mưa, làm gió, làm sấm, làm sét.  Chỉ có Chúa Trời mới làm nên vũ trụ mà thôi.  Mẹ tin Chúa đơn sơ vậy đó.  Hình như lúc ấy tôi 14 tuổi thì phải, nên cũng chẳng để ý gì đến Phật hay Chúa.  Mẹ tin gì miễn mẹ vui là được.  Mà tôi thấy mẹ vui thiệt.  Cám ơn Chúa đã làm mẹ vui! 

Một hôm, chị Lê đến thăm gia đình tôi.  Chị ấy và mẹ tôi đi chung nhà thờ Cơ-đốc-phục-lâm ở ngã tư Phú Nhuận.  Chị mời hai chị tôi và mấy đứa em học Kinh Thánh mỗi tối thứ Tư tại nhà tôi.  Tôi bận rộn ở trường, dạy học thêm, rồi thiền định, rồi đủ thứ chuyện phải làm, nên chẳng biết gì cả về tối thứ Tư này.  Hôm kia, tôi về nhà đúng lúc giờ học Kinh Thánh.  Chị Lê mời tôi tham gia.  Nể lời, tôi ngồi thử xem chị nói gì.  Chưa nóng chỗ, tôi đã hỏi chị đủ chuyện về Đức Chúa Trời, về đau khổ, về chiến tranh, về việc bố ở tù.  Chị Lê trả lời thế nào tôi không nhớ, và cũng không bằng lòng.  Chỉ nhớ tôi nói một câu: 'Trừ khi Chúa hiện ra trước mắt tôi bằng xương bằng thịt thì tôi mơí tin Chúa!'  Rồi tôi bỏ đi nghĩ thầm không bao giờ gặp chị nữa.
                                                                                  
Nhưng chị Lê không bỏ cuộc.  Mỗi lần đến nhà tôi, chị luôn gửi lời thăm và để lại truyền đạo đơn giấy mỏng in trước 1975 cho tôi.  Tôi dùng những giấy này làm giấy toilet vì lúc ấy giấy mắc lắm!  Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi bắt đầu học biết Chúa trong restroom! 

Và Chúa đã có cách bắt phục tôi. 

Hôm kia, một thanh niên tìm tôi.  Áo phanh ngực.  Tóc dài bồng bềnh.  Rất đẹp trai, không phải kiểu Đan Trường nhưng như tài tử Hollywood.  Câu đầu tiên anh nói là:

-   Mày có phải là Thắng không?

-   Phải!  Còn ông tên gì?

-  Vi.  Bà Lê có giới thiệu tao với mày.  Bả bảo mày cũng
     đang có những thắc mắc về Thượng Đế như tao.

Lập tức chúng tôi trờ thành bạn thân.  Vy thường rủ tôi đến nhà chị Lê chơi.  Từ đấy, tôi không những quen thân với chị Lê mà còn thân thiết cả gia đình chị nữa.  Và cũng từ đấy, tôi dần quen thuộc không khí sinh hoạt Cơ-đốc-giáo.  Tôi cũng thường ăn cơm nhà chị Lê, nói chuyện vui với gia đình chị, có khi ngủ lại, và thỉnh thoảng vì nể lời cũng đi nhà thờ nữa.  Hôm kia tại nhà chị Lê, tôi thấy một cuốn sách rất dày bìa vàng nhạt, Thần Đạo Học, hình như tác giả John Olsen thì phải. Tôi mân mê cuốn sách, thầm nghĩ: 'Một ngày nào đó mình sẽ đọc hết cuốn này.'  Quả thật, như một lời tiên tri, tôi đã đọc nó say mê không lâu sau đó.  Tôi đang đứng lưỡng lự giữa hai ngưỡng cửa tôn giáo, nhìn lấp ló chân lý xa xa cho đến khi cánh cửa thứ ba mở ra: Cửa tù. 


Thế giới khác

Xuân 1983 là biến cố thứ tư thay đổi lớn cho đời tôi.  Mẹ tính chuyện cho một đứa vượt biên.  Ứng cử viên tốt nhất không ai ngoài tôi vì bố và hai anh còn ở tù không biết ngày mai.  Mà có thể sẽ không bao giờ có ngày mai ấy.  Ai biết đựơc chuyện tù đày!  Tôi thì không muốn đi vì tình cảm với Ánh Hòa dần sâu đậm dù chưa bao giờ dám ngỏ một lời yêu.  Để lên bàn cân thì tình cảm gia đình thật nặng hơn tình cảm riêng tư.  Tôi nhớ hoài lời mẹ: 'Bố con thì ở tù tận ngoài bắc không biết sống chết ra sao.  Hai anh con thì học tập lao động không biết ngày về.  Hai chị thì yếu đuối.  Còn ba đứa em con dại lắm, không biết chi cả.  Con mà không đi chuyến này thì không có cơ hội.  Nhà mình phải có một đứa đi Mỹ mới cứu thoát cả gia đình.' 

Thế là đi!  Từ Sài Gòn xuống Cà Mau chia làm bốn chuyến xe đò để khỏi bị lộ.  Thế mà vẫn bị!  Trờ về Sài Gòn; tưởng yên thân rồi; lại bị bắt ở Gò Vấp.  Tội vượt biên và tống tiền!  Bị bỏ tù chờ ngày ra tòa.  Thế là xong một giấc mơ giản dị!  Thế là tan vỡ một mối tình sinh viên!  Cửa tù mở ra đã đóng lại tất cả ngưỡng cửa cuộc đời của chàng trai trẻ tuổi hai mươi!

Tôi bị nhốt phòng tạm giam chờ lập hồ sơ điều tra.  Phòng tạm giam đầy ắp người vì chứa đủ mọi thành phần chờ phân loại điều tra.  Trẻ có, già có.  Thanh niên có, thiếu niên có.  Cướp tàu lửa có.  Cướp chợ có.  Hiếp dâm có.  Bán ma túy có.  Làm pháo lậu có.  Đào mả cướp của có.  Giáo viên say xỉn chửi xã hội chủ nghĩa có.  Bài học đầu tiên do trưởng phòng tù (danh từ lịch sự của đại bàng) dạy là: Cởi hết quần áo ngoài rồi ngồi ngay thùng nước tiểu (thùng xăng nhựa 20 lít cắt nắp.  Bài học thứ nhì: tối ngủ ngay thùng nước tiểu và sáng phải đi đổ nước tiểu.  Bài học thứ ba: không đựơc nhắn tin ra ngoài và không đựơc nói chuyện với tù nhân phòng bên. 

Và bài học cho riêng bản thân tôi: Tại sao con người tội lỗi lại có thể cứu đựơc chính mình?  Và câu trả lời cho riêng tôi: Không thể đựơc. 

Để trả lời cho những bài học của đại bàng cũng như của chính mình, tôi lao đầu vào thiền quán.  Sáng thiền.  Trưa thiền.  Tối thiền.  Vả lại, trong tù bíết làm gì bây giờ!  Tất cả những gì tôi học được về thiền định, tất cả những gì tôi biết về kinh kệ đều được áp dụng ở đây.  Một điều lạ là tôi không bao giờ nghĩ về Chúa Giê-su, về một thống khổ nhân, vì tôi không tin rằng có ai đó có thể gánh lấy nổi đau khổ của mình, chứ chưa nói đến của cả nhân loại. Phật thì gần nhưng mình chưa giác ngộ!  Chúa thì xa như cửa tù và tự do!

Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tôi chứng kiến bao nhiêu tội lỗi và tàn ác của con người.  Cùng những gian ác này là những đau khổ tột cùng.  Con người vừa đáng ghét vừa đáng thương.  Con người vừa đối xử nhân nghĩa với người này lại tàn nhẫn vơí người kia.  Thật khó hiểu con người vừa thiện vừa ác.  Thiện ác lẫn lộn.  Có ngày thì thiện nhiều, ác ít.  Ngày hôm sau lại thiện ít, ác nhiều.  Có ngày thì rõ ràng là 'nhân chi sơ tính bổn thiện.'  Có ngày thì 'con báo không thay đổi đốm đựơc.' 

Mỗi ngày tôi đều nghe tiếng rên la vì những trận đòn hạch tội từ các phòng tù quanh đó.  Những chuyện trả thù rùng rợn.  Những tiếng xì xầm hy vọng được phóng thích.  Những tin vui thăm nuôi lắm thức ăn.  Những chuyện xạo tiếu lâm rẻ tìền tục tỉu.  Những chuyện anh hùng quân tử dám chia sẻ đồ ăn với mấy tù 'mồ côi.'  Và tôi là một trong những 'anh hùng' dám chia đồ ăn cho họ.  Một tuần gia đình chỉ được thăm nuôi một lần nên phải đem đủ thức ăn cho tù nhân đủ cả tuần.  Nhưng đồ ăn một tuần của tôi chỉ hai ngày là hết sạch!  Thế là lại quen với 'canh đại dương xanh' (tô nước lã với vài cọng rau muống).  Thế là tôi được đặt ngồi ngang hàng với mấy tay anh chị đại bàng!  Và nhờ không nằm sát bên thùng nước tiểu nữa nên ngoài giờ thiền ra, tôi và một anh bạn tù học khoa văn, bị buộc tội ăn cắp tài sản nhà trường, thường cùng ngâm câu 'Phật vẫn lặng như ngàn năm thưở trước, và Trời hay Thiên Chúa chỉ hư không!'

Nhờ bà con chạy chọt, những ngày tù oan của tôi cũng qua và mặt trời vẫn mọc sau ba mươi ngày bão tố đáy thẳm xã hội!


Tìm Lại Người Xưa                                                

Việc đầu tiên là tìm lại những thầy xưa nhờ giúp đỡ cho đi học tiếp.  Cả ban lãnh đạo khoa ngoại ngữ họp lại và quyết định: Đuổi học!  Lý do: 'Bố ngụy quân tù cải tạo.  Con phản động  dám vượt biên.'  Thời đó ai mà vượt biên là phản động chứ không phải là 'Việt kiều yêu nước' như thời nay đâu!

Buồn!

Việc thứ hai là tìm lại bạn xưa.  Người đầu tiên là Ánh Hòa.  Khi tôi đến thăm thì Ánh Hoà không còn vui vẻ tiếp đón tôi như truớc nữa.  Vài lần sau, chị Hai của Ánh Hòa tiếp tôi.  Sau vài câu xã giao và chia buồn, chị Hai chúc 'Thắng xây dựng lại cuộc đời.'  Tôi hiểu thế nghĩa là xin đừng đến đây nữa.    

Buồn hơn!

Trước khi chia tay, mẹ Ánh Hoà rủ tôi tịnh thất.  Tôi nhận lời và rủ thêm Vi.  Ba bác cháu đi ngoằn nghòe nhiều hẻm khu chợ Bà Chiểu rồi gõ cửa ngôi đình trụ trì bởi Hồng Tâm Trúc Lâm Nương.  Bà trông tướng mạo phương phi, da dẻ hồng hào.  Bà nhìn tôi chăm chăm hỏi:

     -  Đạo gì?

     -  Dạ không có đạo, nhưng con muốn tầm đạo. 

     -  Vậy về nhà mỗi ngày pha ba trái chanh với 100 gram  đường mà uống.  Không đựơc  
         ăn gì trong một tuần.   Sau đó trở laị đây.


Tôi thực hiện y lời.  Vì sợ gia đình không cho nhịn đói, tôi tịnh thất tại nhà chị Lê.  (Gia đình chị Lê có nhờ tôi dạy học cho đứa em trai chị học lớp 10).  Sau bảy ngày tịnh thất, tôi ốm xanh xao mà chân lý vẫn còn xa, xa lắm!

Buồn hơn nữa!

Người thứ ba tôi tìm đến là sư phụ thiền của tôi, anh Đăng, và các vị hoà thượng và thượng tọa mà tôi hân hạnh biết ở Viện Phật Học.  Tôi tìm lại những bậc thầy này với một câu hỏi: 'Bao giờ mình thành Phật?'  Và nhận được một câu trả lời như nhau: 'Kiếp sau!'  'Ôi kiếp sau lận!'  Tôi than thở.  Rồi tôi không ngừng đặt nhiều câu hỏi nữa.   

-  Thưa hoà thượng, Phật nói 'Thân người một khi mất đi vô lượng kiếp sau khó mà lấy lại đựơc.  Vậy ngay kiếp này các ngươi phải thành Phật.' Vậy, hoà thượng năm nay đã 70 mươi tuổi rồi, con chỉ mới 20.  Đến những 50 năm nữa con mới 70 và vẫn chưa thành Phật!  Hoà thượng chờ kiếp sau, còn con phải chờ kiếp nào?  Thế kiếp này mình thành Phật như lời Phật dạy không được sao?

-  Ngạo mạn!

-  Nếu thái tử Tất Đạt Đa 49 ngày đêm tu thiền dưới gốc bồ  
    để thành Phật, thì con phải 48 ngày đêm hoặc ít hơn chứ?

-  Ngạo mạn!

- Dạ con không dám ngạo mạn nhưng thái tử không biết đường đi nên mất 49 ngày đêm thành Phật, biết đường rồi Ngài chỉ con đi thì con phải đi nhanh hơn, hoặc bằng vậy, hoặc lâu hơn một chút thôi chứ!

-  Ngạo mạn!

-  Dạ con không dám ngạo mạn, nhưng xin cho con hỏi thêm một câu nữa thôi.  Hòa thượng chưa thành Phật đươc, vậy hòa thượng biết ai kiếp này đã thành Phật với đủ 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt như lời Phật dạy chưa?  Xin chỉ con để con tìm tới thọ giáo.  Xin hiểu cho lòng chân thành khao khát đạo của con.

-  Làm sao mà thành được! Phải ráng tu chờ kiếp sau.


Tuyệt vọng!  Thôi thì:

                     Kiếp sau xin chớ làm người
                Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
                                                                   (Cao Bá Quát)

Không đụơc thì cũng xin:

                        Kiếp sau xin chớ làm người
                 Làm đôi nhạn trắng tung trời mà bay!
                                                                   (Tản Đà)

                                                      
Xin giúp tôi vì tôi không tin

Thời gian này tôi thường xuyên lui tới hơn nữa hai người bạn đã trở nên thân thiết, Vi và Lê.  Vi là người Công Giáo gốc nhưng anh thường thắc mắc về Thiên Chúa.  Anh có tin Thiên Chúa đấy nhưng anh chưa tìm được lời giải thích về thế giới qua lăng kính Thiên Chúa.  Như hạt lúa giống đang trăn trở dưới lòng đất để vươn mình trổ bông trong mùa gặt sắp đến, nội tâm của Vi cũng đang chiến đấu với tư tưởng mà con rắn xưa gieo lòng anh.  Dù sao đi nữa, qua Vi tôi cũng đã nghĩ nhiều về Thiên Chúa mà Vi nói rằng Ngài đã bị đóng đinh trên thập giá vì nhân loại.

Thông cảm với tôi hơn nữa chắc là Lê và cả gia đình chị.  Gia đình Lê đã chứng kiến thế nào tôi đã tầm sư học đạo; đã vựơt biên và ở tù, vì chính Lê có đi thăm tù tôi.  Gia đình Lê đã khuyên tôi đừng kiêng ăn tịnh thất bảy ngày; đã mời tôi đi nhà thờ; đã cố giải đáp băn khoăn của tôi về Đức Chúa Trời.  Qua gia đình Lê, tôi thấy đựơc tình yêu mà Chúa dạy yêu người lân cận như mình không phải chỉ bằng lời nói nhưng cả bằng hành động tận hiến.

Thế rồi càng lúc tôi càng khổ sở hơn vì không thành Phật được cũng chẳng tin Chúa nổi.  Tôi tìm vui trong triết học và say mê 'Câu Chuyện Dòng Sông,'2  'Xin Chọn Ngừơi Yêu Là Thượng Đế.'3  Lúc đó sách triết học và đạo học hiếm lắm, nên tôi mượn được cuốn nào là đọc ngấu nghiến như sợ mất đi cơ hội tìm chân lý.  Tôi cũng gặp triết gia thi sĩ Bùi Giáng thường lang thang trước sân trường cao đẳng sư phạm; quần áo tả tơi; quanh người đeo đầy nồi niêu xoong chảo, tóc và  râu thì dài bạc trắng không rửa không chải.  Và bỗng nhiên tôi sợ hãi mình sẽ như ông! 

Cho đến một hôm Lê kể cho tôi câu chuyện một người cha đem con trai mình lại xin Chúa Giê-su đuổi quỷ khỏi nó.  Vì chính các môn đệ Chúa cũng không đuổi được quỷ dữ này nên người cha nghi ngờ cả Chúa.  Ông xin Chúa nếu có thể được hãy chữa lành cho con ông.  Chúa đáp, 'Sao ông nói nếu có thể đựơc?  Ai tin thì mọi việc đều đựơc cả!' (Sau này tôi mới biết nó là trong Mác 9:14-24.)  Ông liền kêu lớn, 'Tôi tin, xin thầy giúp tôi có lòng tin.' 

Không hiểu sao câu chuyện này cứ ám ảnh tôi và lời Chúa lẫn lời người cha cứ vang mãi trong trí tôi.  Tôi cứ suy nghĩ chuyện này và quyết định bắt chước lời xin đó.  Đó là lời cầu nguyện đầu tiên với Chúa trong đời tôi: 'Chúa ơi!  Con muốn tin Chúa lắm mà tin không được!  Nếu Chúa thật như lời mấy tín đồ nói, chị Lê nói, Kinh Thánh nói, và chính Chúa nói với người cha đó, xin hãy giúp con trong sự không tin của con.'  Tôi không nhớ mình cầu nguyện bao nhiêu lần như vậy; nhưng chắc chắn là nhiều lần lắm.  Bao lâu?  Tôi không nhớ.  Nhưng chắc chắn là khẩn thiết lắm.  Khi nào?  Hinh như cả ngày tôi cứ cầu nguyện như vậy đấy. 

Và Chúa đã trả lời tôi.

Một đêm kia, hình như có ai đánh thức tôi dậy giữa đêm.  Thường thì anh em tôi hay ngủ ngoài phòng khách, mỗi đứa cứ tự động trải tấm chiếu, giăng cái mùng rách rồi ngủ thôi.  Nhưng đêm đó tôi nhớ không có ai cả ngoại trừ tôi.  Đêm thanh vắng không trăng không sao.  Rồi giữa bầu trời đêm qua khung cửa sổ, tôi thấy rõ ràng một cây thập giá chiếu sáng lấp lánh, lấp lánh, lấp lánh.  Tôi nghĩ mình nằm mơ nên bật ngồi dậy xem cho kĩ.  Xem kĩ, xem kĩ nữa, xem thật kĩ. Ánh sáng biến mất chỉ còn trơ lại hai nhánh cây khô đan chéo hình thập tự.  'Đây chỉ là ảo tưởng.  Rõ ràng hai nhánh cây mận nhà anh Bảy dưới lầu chứ chẳng có gì lạ cả,' tôi thầm nghĩ.  Và tôi nằm xuống định ngủ tiếp.  Nhưng lạ thay, cây thập giá lại hiện ra sáng lấp lánh nữa.  Tôi ngồi dậy để chắc chắn mình không nằm mơ.  Ánh sáng biến mất.  Lại ảo tưởng thôi.  Tôi nằm xuống lại.  Ánh sáng xuất hiện!  Không biết bao nhiêu lần tôi nằm xuống rồi ngồi dậy để thấy ánh sáng thập tự hiện ra rồi chợt biến; rồi chợt hiện; rồi chợt biến.  Không biết thời gian dài bao lâu tôi vật lộn với ánh sáng thập tự lạ lùng như vậy.  Thật không ngủ được với nó!

Bỗng nhiên tôi cảm thấy một sức mạnh bắt chặc lòng tôi.  Sức mạnh lạ lùng, vừa mãnh liệt, vừa êm dịu, buộc tôi phải thú nhận tội lỗi mình trước danh Chúa Giêxu.  Tôi la lên giữa đêm khuya (không biết có thành tiếng hay không?) 'Ôi tôi là một kẻ ô uế.  Tôi tin Chúa.  Xin Chúa tha tội cho con!'  Rồi tôi vừa khóc dầm dề nước mắt, vừa đập đầu vào gối, và xưng tội mình.  Bao lâu?  Tôi không nhớ.  Tôi cũng không nhớ mình mệt nhoài và trở lại giấc ngủ thế nào.  Điều tôi nhớ rõ ràng nhất là sáng hôm sau mọi sự đều thay đổi.

Vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngon và sâu, tôi thấy khỏe khoắng và bình an lạ lùng; bình an mà tôi tìm kiếm ròng rã đã lâu trong thiền định mà không bao giờ đạt đựơc. 

Đó là cảm giác đầu tiên của buổi sớm mai ấy, tháng Ba năm 1983.  Tôi nằm trên chiếc chiếu rách thưởng thức sự bình an lạ lùng ngon lành hơn dĩa cơm tấm mà tôi lúc nào cũng thèm được ăn hai dĩa mỗi sáng thức dậy, nhưng hiếm khi nào đựơc toại nguyện. 

'Ủa! Chuyện gì vậy?  Sao sáng nay mình thấy vui mừng và bình an quá vậy!'  Tôi thầm nghĩ và chợt nhớ laị chuyện đêm qua.  'Chắc đây không phải chỗ mình ở.  Không phải là cư xá Bắc Hải phường 15 quận 10 đâu.  Bầu trời xanh quá, mây trắng quá, không khí thanh bình quá.  Ủa mà mình đâu có mơ.  Nhà mình đây mà?'  Tôi chạy ùa ra ngoài nhà với nguyên bộ đồ ngủ, áo thun quần xà lỏn, để xem có phải đây thực là nơi mình đang ở hay không?  Tôi xuống đường và đi từng nhà hàng xóm.  Điểm từng điạ chỉ, 'Đây là nhà bác Đan, thích trồng hoa hồng.  Đây là nhà anh Bảy có cây mận.  Rõ ràng số nhà Đ1 và Đ2.  Còn nhà mình Đ7 ở trên lầu Đ3 nhìn xéo xuống Đ4.'  Không thể nào lầm đựơc. 

Tôi nhận ra rằng thế giới không thay đổi, nhưng lòng tôi đã thay đổi.  Hoa bây giờ mới thật là hoa, đẹp vô cùng với từng đường vân muôn sắc rực rỡ không ai tạo đựơc trừ Đấng Tạo Hoá!  Những hạt sương lónh lánh còn đọng trên lá xanh tươi mà sao trước đây chẳng bao giờ mình thấy rung cảm nhỉ?  Và tội chợt hiểu: Tôi tin Chúa.  


Cuộc Đời Mới                                                                
  
Sáng sớm hôm đó, trước khi mặt trời ló dạng sau hàng cây cuối xóm, tôi vui mừng đạp xe đến nhà anh Đăng.  Tôi gõ cửa mà lòng hồi hộp vì vừa sợ làm phiền phá giấc ngủ nhà anh, vừa vui mừng muốn báo cho anh tin mừng rằng tôi đã đựơc giải thoát khỏi buồn lo và tâm hồn khấp khởi bình an vui vẻ lạ lùng lắm.  (Sau này tôi mới hiểu Chúa hứa ban tín đồ sự bình an không phải như thế gian cho trong Giăng 14:27).  Một cụ già mở cửa mời tôi vào và bảo chờ đó.  Tôi chờ một chặp, lòng thầm nghĩ chắc anh sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy tôi đến thăm sớm như vậy.  Anh xuất hiện và nhìn tôi chằm chằm; cái nhìn khác hẳn mọi lần.  Chợt mặt anh sầm lại và hỏi tôi:
                                                                                                  
-  Tin Chúa rồi phải không.

                                                                                                               MS Nguyễn Xuân Sơn  
                                                                                                           báp-têm tôi ngày 14/01/1984
-  Dạ.  Mà sao anh biết?

-  'Chỉ có tội lỗi mới đẻ ra tội lỗi,' anh hằn học.

Rồi anh tiếp một tràng nguyền rủa Chúa mà tôi không nhớ hết ngoại trừ câu nói trên.  Từ đó, tôi không gặp anh nữa.  Sau này tôi mới hiểu ma quỉ nhìn ra Chúa Giê-su trước cả chúng ta.  Xin Chúa thăm viếng anh Đăng như đã thăm viếng tôi.  Dù gì đi nữa tôi vẫn nhớ anh lắm, người thầy và người bạn của tôi.  Dù gì thì anh cũng có tâm đạo và tâm hồn hướng thiện.  Xin Chúa mở mắt anh để thấy đựơc chỉ có Chúa Giê-su là chân thần, là Thựơng Đế.  Ừ, mà biết đâu anh cũng đã tin Chúa như tôi rồi!  Đã 29 năm trôi qua rồi còn gì!

Cũng ngày đó, tôi đến thăm gia đình chị Lê.  Tôi thuật lại thế nào tôi đã tin Chúa.  Cả nhà chị vui mừng lắm.  Ba chị nói tôi đã vật lộn với Chúa giống như Gia-cốp vật lộn với Chúa Trời trên đường hồi hương và bị trẹo xương hông; rồi đựơc Chúa đổi tên và cả cuộc đời được thay đổi.  Bác hỏi đùa tôi có đổi tên mới không?  Tôi đùa lại, 'Chắc cháu đổi tên Toàn Thắng thành Toàn Thua!  Nhờ thua Chúa nên mới thắng Satan.' 

Từ đó, đi đâu tôi cũng nói về Tin Mừng của Chúa.  Đâu tôi cũng cầu nguyện thầm trong lòng, 'Xin Chúa cho con gặp một người khao khát chân lý để con nói về tình yêu và chân lý của Chúa cho người này.'  Tôi nói đựơc với rất nhiều người về Chúa, từ ngườI bình dân không quen biết, đến các giáo sư trung và đại học, đến các tu sĩ khất thực lang thang trên phố chợ, đến các tì kheo tại chùa, thậm chí cả người ăn xin nữa.  Nhất là với các bạn học hồi trung học của tôi; đến nỗi có bạn gọi tôi là 'linh mục quốc doanh' hoặc 'cuồng tín.'  Tuy vậy, trong số hàng chục bạn đó, có một người bạn thân tin Chúa và trở thành trưởng ban truyền giảng hội thánh Tin Lành Tô Hiến Thành, và cũng tốt nghiệp cử nhân thần học nữa.  Cám ơn Chúa, những lời Chúa ban phát ra không trở về hư không nhưng kết quả lớn lao không ngờ! 

Tôi nhớ đã gieo hàng trăm hạt giống đạo, gặt được ít nhất 100 trái, trong đó ít nhất năm trái trở thành rường cột hội thánh điạ phương.  Chưa kể từ vùng đất màu mỡ này đã nảy sinh ra biết bao hạt giống tốt khác.  Thật nước thiên đàng nhỏ bé Chúa gieo trong tôi đã lớn dần và vươn lên như cây cổ thụ tỏa bóng cho muôn người, đến nỗi đã 29 năm qua rồi mà chim chóc cứ tiếp tục vui mừng trú chân nơi đó.                       

Thời đó Lời Chúa hiếm lắm.  Tôi mượn đựơc cuốn Kinh Thánh rách tả tơi mà mừng hơn bắt đựơc vàng.  Thánh Linh soi sáng cho tôi hiểu được Lời Chúa mà trước đây rất xa lạ với tôi vì đọc chẳng hiểu gì cả.  Nhưng lạ thay sau khi tin Chúa, tôi đọc Kinh Thánh say mê như ăn được thức ngon lạ qúy giá từ phương trời hạnh phúc nào mang lại.  Tôi đọc Giăng và thấy được thần tính của Chúa và thích nhất là đại mạng lệnh 'Ta đã yêu các con thể nào, các con hãy yêu nhau thể ấy.'  (Giăng 15:12).  Tôi cũng say mê đọc Bài Giảng Trên Núi của Chúa về cách sống ở đời và đối nhân xử thế, như 'Nếu các con yêu kẻ yêu mình, thì có gì hơn kẻ có tội, vì họ cũng yêu kẻ yêu họ, nhưng Ta bảo các con hãy yêu kẻ thù mình.'  Tôi thích Giăng vì ông nói nhiều về tình yêu của Chúa.  Tôi cũng say mê đọc tiên tri I-sa, nhất là câu 'Hỡi những kẻ nào khát hãy đến suối nước mà uống.' (I-sa 55:1).  Thế là tôi quyết định để dành tiền một tháng lương để mua chợ đen cuốn Kinh Thánh tôi còn giữ được đến hôm nay dù đã cũ mèm bong bìa lìa gáy!

Một việc tôi thích thú làm nữa là thăm các em mồ côi trong trại tế bần.  Sao tự nhiên tôi thấy thương con người quá nhất là những kẻ bất hạnh, cô đơn, yếu thế!  Tôi thấy rõ Chúa đặt tình yêu thương Chúa trong lòng mình và tôi cảm nhận được tình yêu của Chúa đối với tôi nên lòng nôn nóng và can đảm để làm những việc lành mà Chúa đã dành sẵn cho tôi để làm. 

Tôi nhớ một chiều thứ Bảy, tôi mang nhiều bịch bánh đến thăm một trại mồ côi ở ngã ba Hàng Xanh.  Các em xếp hàng sau bàn ngăn cách tôi với các em.  Anh bảo vệ ngồi ngay góc bàn.  Thế là tôi vừa phát bánh cho các em vừa thích thú nhìn ánh mắt vui mừng của các em khi nhận đựơc quà.  Chắc hiếm khi các em mồ côi ở đây nhận đựơc quà, nhất là bánh kẹo thì các em thích lắm.  Con nít mà!  Hèn chi Chúa yêu trẻ em.  Sau này tôi mới hiểu Chúa là 'Đấng giúp đỡ kẻ mồ côi.' (Thánh Thi 10:14).    

Một điều lạ lùng nhất Chúa đã thay đổi lòng tôi là Chúa mở mắt tôi hiểu được con người là hình ảnh của Chúa và đựơc Chúa dựng nên bởi tình yêu.  Tôi hiểu điều này khi một ngày kia, tôi thấy một đoàn bộ đội trang bị đầy đủ súng ống diễn hành ngang nhà, và lần đầu tiên trong đời tôi ngạc nhiên tự hỏi: 'Những con người này cũng là hình ảnh Thiên Chúa sao?'  Rõ ràng lúc đó nhìn họ tôi thấy có một Đức Chúa Trơì đã dựng nên muôn loài.  Và lần đầu tiên tôi hiểu taị sao Chúa dạy: 'Nếu các con yêu kẻ yêu mình thì có ơn chi, vì kẻ có tội cũng yêu kẻ yêu mình . . . Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình.' (Lu-ca 6:32, 35).  Tôi chợt hiểu rằng Thựơng Đế không phải là Đấng chỉ thưởng hay phạt, nhưng Ngài quả thật là tình yêu!

                                                              
Đoạn Kết

Trước khi tin Chúa, tôi nghĩ tại sao người ta lại có thể tin Chúa nhỉ?  Nhưng tin Chúa rồi, tôi ngạc nhiên tại sao ngươì ta lại không tin Chúa!  Có quá nhiều bằng chứng về sự hiện hữu của Chúa và tình yêu của Ngài đối với nhân loại: thiên nhiên, khoa học, lương tâm, lí trí, đạo đức, Kinh Thánh, và chính Chúa Giê-xu đã chết và phục sinh.  Rõ ràng có một quyền lực tăm tối ngăn cản con người đến vơí Chúa.  

Trước kia tôi hãnh diện mình giữ đạo đức làm người.  Tôi tự hào mình thiền định tu thân.  Tôi ngầm hãnh diện trịch thượng về hành vi cao cả quân tử của mình.  Nhưng rồi tất cả những giá trị đạo đức tôi tôn sùng bấy lâu giờ sụp đổ trước sự vinh quang chói sáng của Chúa Giêxu trên thập tự giá, là bằng chứng Thựơng Đế đã chết cho nhân loại vì yêu họ. 

Tôi nhận thức rằng không một tôn giáo nào có sự tha tội, mà chỉ có đền và chuộc tội bằng cách làm lành lánh dữ, xây dựng công đức, bố thí lấy phước; tưởng đợi kiếp sau đựơc giải nghiệp cải số.  Tôi ý thức rằng chính sự kiêu ngạo ngấm ngầm trong lòng rằng mình có thể tự giải thoát được mình nhờ những phương pháp tu hành đã ngăn cản tôi đến với Chúa; như một người đang chết đuối mà vẫn không chịu bám phao cứu rỗi, chỉ lo tập bơi tập lội.

Điều cuối cùng tôi nhận ra là Chúa là tình yêu.  Và vì yêu nên Chúa đã chọn kẻ nào được cứu.  Thật khó chịu khi phải tin như vậy, nhưng nhìn lại những gì đã xảy ra cho tôi và cho người khác, thì phải tin rằng Chúa đã tiền định tôi.  Và chính vì tôi đã được Chúa tiền định ở vớí Ngài, thì có gì mà tôi phải sợ nữa chứ!  Có gì mà phải lo!  Có gì mà phải thù phải oán!  Có gì mà phải đau khổ!  Có gì mà phải bất an!  Có gì mà phải ngã lòng lo sợ mất đi sự bảo đảm cứu chuộc!  Chúa đã tiền định tôi rồi mà.  Tôi há chẳng nên vui mừng sao?  Yêu thương mọi ngưòi hơn sao?  Tin chắc vào tình yêu và quyền năng của Chúa hơn sao?  Tôi há chẳng nên sống vui mừng mỗi ngày và đem tình yêu của Chúa đến cho người lân cận tôi sao?  Vì 'Ví bằng Cha, là Đấng sai Ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng Ta, và Ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt.' (Giăng 6:44).

Thế anh Đăng thì sao, người thầy thiền định của tôi thì sao?  Giờ này anh đã tin Chúa chưa?  Tôi không biết.  Người thầy thiền định của tôi có được tiền định để tin Chúa không?  Tôi cũng không biết.  Nhưng anh ấy tin Chúa được không?  Được chứ!  Chúa có ngăn cản anh tin Chúa không?  Không!  Vì Chúa đã chết cho anh Đăng mà, cũng như đã chết cho tôi, và cho toàn thể nhân loại, vì 'Đức Chúa TrờI yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời' (Giăng 3:16).  Rõ ràng Chúa đang đứng giang hai bàn tay đẫm máu vô tội vì bị tội ác đóng đinh và kêu mời mọi người không phân biệt màu da sắc tộc: 'Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các con được yên nghĩ.  Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các con sẽ được yên nghĩ.  Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.' (Ma-thi-ơ 11:28-30).

Xin dâng Chúa cả cuộc đời còn lại của con để yêu Chúa và yêu người lân cận như yêu chính con.
                                  
                                    Ngày ấy Chúa gieo hạt Tin Lành
                                    Trổ cây, sinh trái, lá rất xanh;
                                    Chim trời muôn hướng vui xây tổ.
                                    Ôi mộng nào hơn sống vĩnh sanh!
                                   
                                   Từ đấy thiên đàng ngự nơi đây
                                    Giữa cõi trần gian phủ trời mây.
                                    Chúa đem Nước Ngài cho ta nếm
                                    Một chút thiên đàng cũng đủ say.

                                    Cõi dương gian say rượu, say tiền;
                                    Riêng tôi say nắng mới bên hiên
                                    Chiều ngã vui mây ngàn bát ngát
                                    Đêm về Lời Chúa ủ kề bên.

                                    Có phải thế gian biến dạng hình
                                    Hay trời chuyển dáng hóa nên xinh
                                    Không!  Đời vẫn thế, trời cũng vậy
                                    Có Chúa lòng này được tái sinh.

by Thang Chu

Mùa Thu 2007, Detroit, Michigan 
Nhuận Bản February 8, 2012, Santa Ana, California


Cước chú:

[2] Bạn nào thích có thể đọc câu chuyện này trong:
[3] Saint Francis, by Nikos Kazantzakis.