Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Sorino

Sorino là tên người bạn người Mông-cổ chúng tôi mới quen hôm thứ Bảy qua.  
 
Sau buổi cầu nguyện mỗi sáng thứ Bảy, chúng tôi xuống fellowship hall dùng điểm tâm trước khi xuất quân biểu tình chống Sa-tan.  Sorino đến hỏi gặp mục sư.  Chị hỏi thăm tôi về hội thánh ở đây.  Chuyện này dẫn tới chuyện kia rồi dẫn vào bàn ăn. 

Sau bữa ăn chị và tôi tiếp tục nói chuyện về quê hương Mông-cổ của chị bằng English.  Tin Lành chỉ mới đến quê hương chị 20 năm qua thôi và số tín đồ khoảng 100 ngàn so với số dân ba triệu.  Đất nước chị bị nghèo đói và ngoại xâm triền miền sau thời kỳ vàng son Thành Cát Tư Hãn.  Phật giáo Tây Tạng bao trùm đất nước chị, rồi đến nhà Thanh Trung Hoa suốt thể kỉ 17 đến năm 1911 mới chấm dứt khi triều đại này sụp đổ.  Rồi đất nước chịu ảnh hưởng Nga-sô mãi khi khối này vỡ vụn và đất nước chị có được hệ thống đa đảng năm 1992.  Và đó cũng là lần đầu chị được nghe Tin Lành.  Chị tin Chúa 1994, qua lại Mỹ học Kinh Thánh 1997, chính thức định cư 2006. 

Một tín đồ đến nói với tôi, “Chị này trông có vẻ không bình thường, nói chuyện gì mà lâu thế!”  (Xin nói nhỏ: tín đồ đó là vợ tôi.)

Tôi trả lời, “Không một ai bước chân vào hội thánh mà không chịu ảnh hưởng bởi Chúa Thánh Linh.  Chắc Chúa muốn điều gì đây?”

Trước khi dọn dẹp, tôi hỏi chị:

     - “Chị ở gần đây không?”

     - “Tôi giống Chúa Giêsu,” chị thì thào.

     - “Cáo có hang, chim trời có ổ, Chúa không có chỗ gối đầu.  Chị cũng vậy à?”  Tôi thì thào lại.

     - “Ừm.”

     - “Mời chị sáng mai lại thờ phượng Chúa với chúng tôi.”

     - “OK.”

Sorino tới đúng giờ.  Chị hơi khác hôm qua với chút make-up, nhưng vẫn giữ khuôn mặt hiền lành và thái độ thật khiêm nhường.

Hôm đó cũng là buổi mừng Thanksgiving.  Chúng tôi ăn uống chung và có phần văn nghệ cây nhà lá vườn.  Mọi người ồn ào với lời ca tiếng hát vì  “hồn ai nấy giữ.” 

Bất chợt, Sorino đến xin hát một bản tiếng Mông-cổ và tự đàn piano.  Giữa chừng bản nhạc As the Deer của chị, một số người vây quanh chị bên đàn piano, mọi tiếng ồn im bặt, mọi cặp mắt dồn vào chị.  Tiếng hát của chị trong veo điêu luyện.  Tiếng đàn véo vắt như suối tuôn chân cầu làm mọi người sửng sốt, nhất là khi chị chạy scale.  Từ đàng xa, trong sự ngạc nhiên, tôi cũng lao lại rút android phone quay được chút ít. 

Chị ngồi đó, sáng rỡ như một thiên sứ Thiên Chúa gửi tới đem bình an và vui vẻ cho mọi người. 

Không, chị không là homeless.  Chị là người của Đấng Cứu Thế Giêsu gửi đến. 

Tôi chợt nhớ câu nói hôm qua của chị, “Tôi giống Chúa Giêsu.”  Phải, chị giống Chúa Giêsu, đầy ơn và lẽ thật.  Đầy ơn vì chị đem vui mừng bình an cho mọi người.  Đầy lẽ thật qua lời ca ngợi Chúa.  (Một số em nhỏ hát tiếng Anh hòa tiếng Mông-cổ của chị.)

Chúng ta thường khó chịu, rồi không chịu, khi ví con cái Chúa với Chúa.  Nhưng nếu không ví vậy, thì ví con cái Chúa với ai?  Trong hành trình hồi hương thiên quốc, chúng ta dần dần trở nên giống Chúa hơn để thích hợp với nếp sống mới thiên quốc.  Đó cũng là mạng lịnh (Rôma 8:29).  

Tiệc tàn, Sorino là vị khách duy nhất ở lại dọn dẹp với một số anh chị em chúng tôi.  Nhờ gì, chị làm đó, thậm chí lau bàn và đổ rác!  Chị đem phước hạnh đến mọi người từ giờ đầu đến giờ cuối.  

Tôi suy nghĩ đến chị suốt mấy hôm nay, “Hay chị là những thiên sứ đến với Áp-ra-ham qua nhân dạng?  Hay chị là chính Chúa Giêsu đói khát, rách nát, bịnh tật, cô đơn, trong Mathiơ đoạn 25?”

Dẫu gì đi nữa, Sorino là con cái yêu dấu của Chúa và là hình ảnh của Chúa Trời, với những tài năng và đức độ ẩn kín dưới lớp áo khiêm nhường, một cáo không hang, một chim trời không ổ.

Xin click vào web dưới đây để xem Sorino
http://www.youtube.com/watch?v=Ga9lndNJYxc


November 30, 2011


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Ánh Mắt Quyền Năng

Về cơ thể con người, mắt là bộ phận phức tạp thứ nhì sau não.   Hệ thống mắt có khoảng 40 hệ thống phụ riêng biệt, gồm võng mạc (retina), con ngươi (pupil), tròng đen (iris), giác mạc (cornea), thấu kính (lens) và thần kinh thị giác (optic nerve).  Ví dụ, võng mạc có khoảng 137 triệu tế bào đặc biệt đáp ứng ánh sáng và gửi tín hiệu đến não.  Khoảng 130 triệu tế bào này trông giống những cái que điều khiển hình trắng đen.  Bảy triệu tế bào còn lại hình nón và giúp chúng ta thấy màu sắc.  Các tế bào võng mạc nhận những dấu in ánh sáng, được chuyển thành xung lượng điện và gửi đến não qua dây thần kinh thị giác.  Một bộ phận đặc biệt của não gọi là võ não thị giác (visual cortex) chuyển dịch những xung lượng đó thành màu sắc, độ tương phản, độ sâu, v.v., khiến chúng ta thấy “hình ảnh” của thế giới chúng ta.  Thật không thể tưởng nổi, võng mạc, thần kinh thị giác và võ não thị giác là những hệ thống phụ thật hoàn toàn tách biệt và khác hẳn nhau.  Tuy nhiên, cùng nhau, chúng bắt được, chuyển tải và chuyển dịch lên đến 1,5 triệu tín hiệu xung lượng trong một mili-giây!  Cần phải có hàng chục máy siêu vi-tính Cray được cài đặt tuyệt hảo và cùng hoạt động không lỗi lầm mới đạt được gần mức thực hiện nhiệm vụ này.

Thật lạ lùng quá sức cho chúng ta!  Rõ ràng nếu tất cả hệ thống phụ đó không thực hiện tuyệt hảo cùng lúc, mắt sẽ không hoạt động và thành vô dụng.

Đó mới chỉ là hoạt động màu sắc của mắt.  Hoạt động tâm linh của mắt vượt xa hơn nữa vì ‘mắt là đèn của thân thể’ mở ra cả một thế giới kỳ diệu của linh hồn quý hơn cả thế gian.

Không thể có văn minh nếu không có mắt.  Nói cách khác, mắt thay đổi thế giới bằng cách thay đổi mỗi một cá nhân trong thế giới đó. 

Ánh mắt Đức Giê-su đã thay đổi Phê-rơ, để rồi ông thay đổi thế giới.  “Chúa quay lại, nhìn Phê-rơ; ông sực nhớ lời Chúa đã bảo: ‘Hôm nay, khi gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần.’  Phê-rơ liền đi ra ngoài, khóc lóc đắng cay” (Lu-ca 22:61, 62).  Tất cả những gì Chúa muốn nói với Phê-rơ gói trọn trong ánh mắt ấy, “Si-môn, Si-môn, này Sa-tan đòi sàng sảy hết thảy các con như lúa mì, nhưng chính Ta đã cầu nguyện cho con để đức tin con không bị lung lạc; khi con hồi phục, hãy làm cho anh em mình vững mạnh” (Lu-ca 22:31, 32).  Ánh mắt Chúa như gửi Phê-rơ rằng, “Ta biết trước con yếu đuối, sẽ bỏ Ta, sẽ sa ngã, sẽ chạy theo thế tục, sẽ bị Sa-tan đánh gục; nhưng đừng sợ, Ta sẽ nâng con dậy, con sẽ mạnh mẽ hơn, và con sẽ giúp đỡ những anh chị em khác.”

Bạn có bao giờ bắt gặp ánh mắt đó chăm nhìn bạn chưa?  Ánh mắt quyền năng nhưng không “chớp lửa đêm đông,” “mang hình viên đạn.”  Ánh mắt đem lại sức sống mới cho bạn, khiến bạn chợt tỉnh, “Ô, vẫn còn ai đó yêu thương và cầu nguyện cho tôi!  Tôi không cô đơn.  Tôi sẽ trở lại phục vụ Chúa.”     

Tôi đã gặp ánh mắt đó nơi một người chăn chiên hội thánh English-speaking ở Pittsburgh.  Ông lùn, mập, mặc rỗ, cận thị, thật không có gì hấp dẫn bên ngoài.  Ông và tôi chưa hề nói với nhau một lời ngoài chữ “Hi” sau mỗi lần bắt tay tại cửa nhà thờ sau lễ.  Ông chỉ nhìn tôi, cho đến khi tôi rời mắt khỏi ông.  Một lần tôi thử, sau khi bắt tay và nhìn ông, tôi tiếp tục vừa đi vừa nhìn ngoái lại.  Thật lạ, ông vẫn nhìn tôi với cùng ánh mắt ấy.  Ánh mắt không vội vàng, không phân tâm, không lấy lệ, không xã giao.  Ánh mắt như thầm gửi một lời yêu thương.  Và tôi luôn được yên ủi mỗi khi nhớ đến ánh mắt đó.  Thật là ánh mắt quyền năng hơn tất cả những lời nói “I love you,” hoặc những bài giảng hùng hồn về tình yêu.  Tôi vẫn nhớ ánh mắt đó đến hôm nay, khi đang ngồi viết.  Ánh mắt đó làm sống lại ánh mắt Chúa khi nhìn Phê-rơ với đủ quyền năng bắt phục và hồi phục ông.

Tại sao chúng ta cứ đòi năng quyền từ Chúa?  Làm vậy chẳng khác đòi Chúa cho không khí để thở!  Năng quyền Chúa Thánh Linh tự nhiên đến trên chúng ta như không khí tự nhiên cho chúng ta thở.  Năng quyền Chúa đến từ bên trong chúng ta, sau những đối mắt cận, những làn da nám, những vầng trán nhăn, những thân hình cục mịch, những dáng người nhỏ bé.  Năng quyền Chúa không đến từ thân hình lực lưỡng, từ la hét, từ phẩn nộ, từ đòi hỏi năng quyền.  Năng quyền Chúa ở ánh mắt yêu thương chân tình. Và ánh mắt đó sẽ làm việc lớn và vĩ đại cho thiên quốc, vì nó tuôn chảy từ yêu thương; cũng như ánh nắng tuôn chảy từ mặt trời vĩ đại.

Mùa đông lạnh lẽo thường mặt trời ngủ yên với ánh sáng vàng vọt, ảm đạm, mờ ảo.  Trái tim nguội lạnh thường ánh mắt hờ hững, nhạt nhẽo, vội vàng.  Chúng ta thường tay cụng, miệng “zô,” mắt thì nơi mô!  Mấy khi chúng ta chào đón và nói với nhau bằng ánh mắt?  Lời nói thì dễ khách sáo, nhưng ánh mắt thì không; vì lời từ lưỡi, mắt từ tâm!  Bạn thử để ý Sunday này xem sao?

Có những ánh mắt nghiêng thành đổ nước.  Có những ánh mắt thiên tán hạ đởm.  Nhưng chỉ một ánh mắt biến đổi linh hồn và cứu chuộc thế gian: Ánh mắt Giê-su.   Và đó cũng là ánh mắt của bạn, môn đồ của Chúa.



November 29, 2011












Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Móng của Tình Yêu

Chúng ta không thể sống nếu phổi thiếu dưỡng khí và tim thiếu tình yêu.  God is love.  Thiên Chúa là tình yêu.  Dù đúng dù sai, dù tin dù không, không ai sống nếu không yêu.  Suy cho cùng, tất cả hành động của chúng ta xuất phát từ tình yêu.  Người cha lao động khó nhọc nhân danh tình yêu gia đình, người mẹ góa trèo dừa nhân danh lũ con, người tình trèo non vượt biển nhân danh đôi lứa, thậm chí người tự sát nhân danh thần thánh của họ, . . . Bảng liệt kê còn dài.  Có người nói đó là bản năng sinh tồn, nhưng thực chất động cơ là tình yêu.  Vì yêu nên muốn đối tượng được yêu sinh tồn.

Thế thì không công tác nào, công trình nào quan trọng bằng đi tìm ý nghĩa và nguyên lý tình yêu để áp dụng thăng hoa đời sống.  Đây là một tiến trình dài gian khó và cần nhiều người đóng góp.  Nếu khoa học phải trải qua hàng thế kỷ để có được computer đầu tiên năm 1837, hơn trăm năm nữa để có những laptop, ipad hôm nay, thì hành trình ‘cải tiến’ tình yêu lại càng gian nan hơn nữa.  Mặt trái của computer được dùng điều khiển hỏa tiễn hạt nhân.  Nhưng tình yêu thì không hư mất bao giờ.     
Bất cứ khoa học nào cũng bắt đầu từ một nguyên lý, axiom.  Nguyên lý không chứng minh được vì là khởi đầu mọi sự.  Dựa vào nguyên lý mà có định lý và công thức.  Cũng vậy, để nghiên cứu tình yêu, ta cũng cũng bắt đầu nguyên lý: God is love, Đức Chúa Trời là tình yêu. (1 Giăng 4:16). 

Phát minh khoa học xảy ra trong phòng thí nghiệm.  Cũng vậy, tình yêu phải xảy ra trong hội thánh.  Vì Chúa là tình yêu và chính Chúa dùng huyết Ngài thành lập hội thánh. (Công 20:28).  Há chẳng phải chính Chúa phán: “Ta ban cho các con một mạng lịnh mới: Đó là các con hãy yêu thương nhau. Như Ta đã yêu các con thể nào, các con hãy yêu thương nhau thể ấy.  Bởi các con yêu nhau mà thiên hạ biết các con thuộc về Ta”  (Giăng 13:34, 35)?  Mạng lịnh Chúa rõ ràng như trắng với đen, như ngày với đêm, không thể lầm lẫn được cho hội thánh.

Hội thánh Chúa ngày nay hay lầm lẫn giữa Ma-thi-ơ 22:37-39 với Ma-thi-ơ 28:19-20.  Cái trước là Đại Mạng Lịnh (Great Commandment) và cái sau là Đại Sứ Mạng (Great Commission), nên chúng ta rất thường hay nói, “Mình phải thực hiện đại mạnh lịnh truyền giáo.”  Từ đó, chúng ta quên mất Đại Mạng Lịnh thật, dẫn đến những chuỗi dài thất bại cho chính mình và cho việc chinh phục thế gian đang đau khổ vì muốn yêu mà không thể yêu và không được yêu.   Tôi xin kể một trong những thất bại đó.

Phong trào xây binhđinh nhà thờ đang là trăn trở của hội thánh Việt Nam.  Hội thánh giàu hoặc nghèo, thành thị hay tỉnh lẻ, đông hay vắng, cũng mơ chuyện xây binhđinh rồi gọi đó là ‘nhà thờ,’ nên mới có sự phân biệt giữa hai danh từ ‘hội thánh tư gia’ và ‘nhà thờ.’  Nghĩa là ‘hội thánh tư gia’ không phải là nhà thờ, hội thánh binhđinh mới là nhà thờ!  Và nhiều chuyện buồn, rất buồn, buồn lắm, đã xảy ra trong vòng các chi thể của hội thánh.  Tôi xin kể một chuyện.

Hội thánh Tây Ninh, quê bà xã tôi, xây nhà thờ binhđinh 60 ngàn US đô-la.  Một người Đại Hàn cho 30 ngàn (mới đưa 20 ngàn), hội thánh phải tự túc 30 ngàn (không biết lấy đâu ra vì tín đồ đa số lao động chân tay), gọi là matching fund.  Cái móng binhđinh chưa xong thì bầy chiên đã lở mồm long móng, chạy rong chạy ruổi, từ 300 con còn lại 70.  Muôn sói chưa kịp đến thì chiên đã húc nhau tan tành tơi tả.
(Hình bên: Hội thánh Tin Lành Tây Ninh đã xây xong hơn 80% binhđinh cao ngất nghểu  tháng 9/2011, thì cũng mất 80% chiên Chúa)

Hội thánh thiếu móng ĐML, đại-mạng-lịnh.  Chúng ta không cần móng ĐLM, đô-la-Mỹ.  Chúng ta cần ĐML.  

Chúng ta có thể đổ cả ngàn, cả triệu ĐLM thực hiện ĐSM, đại sứ mạng, nhưng sẽ thất bại nếu không có ĐML.  Hội thánh phải thực hiện ĐML trước, rồi ĐSM sẽ theo sau với trợ giúp ĐLM.   

Hội thánh có cần binhđinh thật lớn, thật cao, thật đẹp, thật sang, thật lộng lẫy, thật là “nơi không thể không viếng thăm nếu đến Nam Cali” như nhà thờ Kiếng Anaheim, thì danh Chúa  mới được vinh hiển?
Không.  Vì đã quá nhiều gạch ngói nhưng thiếu tình yêu!

Câu trả lời thép luyện và mãi mãi không gì thế được:

“Bởi các con yêu nhau mà thiên hạ biết các con thuộc về Ta.”


Mùa Thanksgiving 2011

                     

     

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Cảm Động Tình Yêu của Bác Lân Gái

. . .  Cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta có những đứa con ngoan, dù chúng đã lớn nhưng vẫn còn ở chung trong mái ấm gia đình, cám ơn anh chị luôn nhớ và cầu nguyện cho nhau, và cám ơn bài đọc chị gởi đến, câu chuyện cảm động quá, ML có quen với gia đình MS Chu Toàn Thắng và vợ là chị Hữu Duyên, thật là quả đất tròn mà Chúa đã tạo, khi trong tình yêu chúng ta là anh chị em với nhau.. Câu chuyện cảm động của bác Lân gái, làm ML cũng xúc động vô cùng. Mến chúc anh chị và 2 cháu luôn vui khỏe và bình an trong cánh tay toàn năng của Chúa Cứu Thế Giê Xu.

Mến!
ML(P.S) Khi đọc xong câu chuyện, mình rất xúc động nên đã cảm xúc thành bài thơ, xin gởi đến anh chị đọc để chia sẻ nhé! cùng gởi đến Mục sư Chu Toàn Thắng và chị Hữu Duyên.

YÊU THƯƠNG TRỌN VẸN

Trong cuộc sống tình yêu là trọn vẹn
Biết yêu thương dâng hiến bảo bọc nhau
Cùng đức tin trung tín và nguyện cầu
Ngài che chở và ban nhiều phước hạnh

Câu chuyện này làm sao mà so sánh
Bác Lân ơi! Xin học hỏi Đức yêu thương
Lời bác đinh ninh như Đấng vô thường
Không có Chúa sức người làm sao được

Tuổi con gái có ai mà biết trước
Tròn hai mươi đã sánh bước chung đôi
Hai mươi hai làm mẹ có con rồi
Đời vợ lính trong binh đao khói lửa

Bốn con thơ mười sáu năm chan chứa
Yêu thương chồng không quản ngại âu lo
Tám năm lặn lội dầm dãi thân cò
Chồng cải tạo miệt mù nơi xứ Bắc

Cuộc chiến tàn nhưng lòng đau như cắt
Tháng Năm dài đằng đẳng cũng đi qua
Ngày yên vui trở về lại mái nhà
Cảnh đoàn tụ vợ, chồng, con yên ấm

Ai ngờ đâu bảy năm dài chung sống
Oan nghiệt thay tai biến lại hoàn hành
Gây tê liệt làm sao để công danh
Đời vợ lính, vợ tù và vợ bệnh (*)

Bốn mươi lăm năm thực hành mạng lệnh
Hy sinh vì chồng nuôi nấng đàn con
Công khó yêu thương trọn vẹn chu toàn
Bài học quý chúng con xin ghi nhớ

Cuộc sống bôn ba gian nan không sợ
Câu chuyện này làm nền tản yêu thương
Chúa Giê xu là ánh sáng soi đường
Cho ta bước một lòng luôn Trung tín./.

(*) Vợ lính 16 năm, vợ tù 8 năm và vợ bệnh nhân 21 năm

Cảm xúc câu chuyện của bác Lân
San Jose Ngày 4 Tháng 11 Năm 2011
Hồ Duy Hạ

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Lao Mình vào Cô Đơn

Một trong năm điều lớn NASA phải khắc phục để đưa người vào vũ trụ là cô đơn.  Phi-hành-gia phải tập chịu đựng cô đơn trước khi ngắm được vũ trụ mênh mông kỳ diệu vượt ngoài tầm nhìn thế giới.

Đòi hỏi của thế giới hữu hình vật chất là vậy, huống hồ thế giới vô hình tâm linh!  Cô đơn là bước đầu du hành thế giới tâm linh kỳ diệu chiêm ngưỡng Đấng Sáng Tạo.

Chắc chắn ai cũng nhiều lần trải cô đơn.  Khi nhỏ bị bố rầy, mẹ la, cô phạt, lũ bạn ‘xí’ không chơi . . .   Khi lớn bồ bỏ, bạn phản . . . Nhưng có bao giờ bạn cô đơn vì nhân danh Đấng Yêu Thương, God?  Cô đơn này khác hẳn tất cả cô đơn trần thế, vì nó khiến bạn trơ trụi giữa đám đông qua lại, giữa làn xe cộ vụt qua với tiếng còi ‘bin bin,’ giữa tiếng chửi rủa ngay mặt, giữa những cái nhìn ác cảm lẫn miệt thị, giữa những môi trề mắt liếc, giữa những ngón trỏ giơ lên, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa nắng gắt gió tạt.  Và giữa phố Bolsa đối diện những hình tượng Phước Lộc Thọ. 

Đó là cô đơn mà bạn phải trải qua khi tay trái phân phát Lời Chúa và tay phải giương cao Lời Chúa, được dán vào hai mặt bảng kích thước 2x4 feet được gắn vào cây dài 12 feet.  Bạn sẽ có cảm giác như đang bị đónh đinh tinh thần trên thập tự.  Bạn sẽ hiểu thập tự giá hơn và yêu Chúa hơn và trở nên giống Chúa hơn.

Đó là phần nhỏ cô đơn mà Đức Giê-su phải chịu.  Ngài bị đóng đinh xử tử như kẻ nô lệ, bị lột trần, bị sỉ nhục, bị đau đớn thể xác lẫn tinh thần.  Ghê ghớm hơn nữa là sự cô đơn vì bị bỏ rơi.  Đây là sự cô đơn khủng khiếp khi biết rằng không còn ai trên trời hay đời yêu thương quan tâm mình nữa.  Chúng ta có lẽ cô đơn một lúc nào đó, nhưng vẫn biết rằng còn ai đó đang yêu thương và chờ đợi mình, khiến mình có thể chịu đựng được cô đơn.  Đức Giêsu thì không còn ai.  Thậm chí Ngài thấy mẹ mình đứng gần môn đồ Ngài yêu và nói rằng,  “Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi! Đoạn Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi!” (Giăng 19:26, 27).  Ngài không còn ai để mà chờ mà đợi.  Chính Thiên Chúa trên trời mà Ngài thường gọi Cha, giờ đây không là Cha nữa: “Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi.”   

Cô đơn của Đức Giêsu là cô đơn tuyệt đối và duy nhất.  Nên không một cô đơn nào của con người mà Ngài không thấu hiểu.  Cô đơn của Ngài bao trùm tất cả mọi cô đơn.

Đừng sợ cô đơn, vì cô đơn của bạn ở trong và được bao trùm bởi cô đơn của Đức Giêsu, và đó là bước đầu của bạn để thoát khỏi trọng lực trần thế mà phóng vào mối tương giao vô cùng ngọt ngào tuyệt diệu giữa chỉ hai người: bạn và Chúa.

Hãy lao mình vào cô đơn với Chúa.



November 23, 2011










Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Cầu Nguyện cho Việt Nam

Hãy nói cho con về địa danh này, điều khó nói, ôi Chúa!  Đó là nơi chúng con đã sanh ra.  Đó là nơi Chúa định trước thì giờ và chỗ ở cho chúng con.

Và đó cũng là nơi vắng bóng Giê-su.

Và đó cũng là nơi máu đổ nghìn thu.

Ôi Chúa! Máu của Chúa cũng đã hòa tan với máu dân tộc chúng con khi Ngài bị tra tấn bằng roi sắt móc câu.  Bị nhổ nước miếng.  Bị đấm vào mặt.  Bỉ nhổ râu.  Bị sỉ nhục.  Bị lột trần.  Để máu Ngài tuôn đổ lênh láng như những dòng sông nuôi sống đất Việt chảy suốt miền nam bắc quê hương.

Cả khi Ngài đã gục đầu tử nạn họ vẫn còn hành hạ kẻ chết bằng mũi giáo ngang hông.  Nhưng từ đó, chính từ đó, máu Chúa lại xối xả tuôn ra nhiều hơn nữa để trộn lẫn với máu các nam nữ anh hùng dân tộc.  Máu của Ngài cũng là máu quê hương.

Nhưng máu Ngài không giới hạn biên cương.  đất và muôn vật trên đất, thế gian những người sống trong đó đều thuộc về Ngài.*

Ôi Chúa Giê-su!  Ngài không là da vàng, da trắng, da đen, vì Ngài là tất cả và tất cả đều từ Ngài.  Bị treo thân trên thập tự, trong một thân thể tan nát vì khổ nạn, Ngài nhìn cao và rộng và xa đến tận quê hương chúng con, là nơi được thế giới biết đến qua những cảnh chiến tranh, qua những phim của Coppola, cảnh trực thăng gầm thét.  Và ngày đó, máu Ngài đã tuôn ra với máu đồng bào chúng con.  Máu Ngài đủ linh và quyền để bao phủ và tẩy sạch đau thương của chúng con, của nghìn năm nô lệ, của trăm năm thuộc địa, của ba mươi năm nội chiến, của hai triệu người chết đói Ất Dậu, của gần bốn triệu người chết hai bên vĩ tuyến bắc nam, của những người ra đi, của những người ở lại, của những thiếu nữ bị hải tặc hãm hại, của nửa triệu thuyền nhân rửa thây đáy biển.

Sao Ngài lại yêu chúng con đến thế, đến nỗi trên thập tự giá  thân Ngài cũng đau đớn oằn cong tựa hình chữ S của quê hương.  Họ gắn mão gai vào đầu  Ngài và đóng đinh tay chân Ngài để máu đổ từ đỉnh đầu xuống bàn chân Ngài, cũng như họ đã khiến máu chảy dài từ đầu bắc đến chân nam dân tộc, để định mệnh của Ngài là thống khổ nhân sẽ gắn liền với định mệnh thống khổ dân của chúng con, để nhờ lằn roi Ngài mà dân này được lành bịnh.

Ôi Giê-su!  Xin hãy nói “Hello to Vietnam.”  Xin hãy thăm viếng những căn nhà, những con đường, những thuyền tam bản, những chợ sông, những phố thị của quê hương chúng con. 

Một ngày nào đó, xin hãy chạm đến mảnh đất chúng con, Một ngày nào đó, xin nhớ đến linh hồn chúng con. 
Một ngày nào đó, xin thăm viếng chúng con.
Và nói: “Hello...Vietnam.”

Trong cầu nguyện, chúng con xin Ngài hãy nhìn thấy đồng bào chúng con.  Hãy chạm đến hàng cây, gốc dừa, nắm đất, và rồi linh hồn chúng con. Và nói: “Hello . . . Vietnam.”

Một ngày nào đó Ngài sẽ đi trên mảnh đất của chúng con.
Một ngày nào đó, Ngài sẽ nhớ đến linh hồn của chúng con.
Một ngày nào đó, Ngài sẽ thăm viếng chúng con.
Và nói hello...Vietnam.
Và nói xin chào...Vietnam.
Và nói “Hãy đến cùng ta để linh hồn được yên nghỉ, Việt Nam.”

Maranatha!  Xin mau đến, Chúa ôi! 

Amen

* Thi Thiên 24:1, 2

** Cầu nguyện qua cảm động bài “Hello Vietnam” by Phạm Quỳnh Anh
 Hello Vietnam - Phạm Quỳnh Anh 

Tell me all about this name, that is difficult to say.
It was given me the day I was born.

Want to know about the stories of the empire of old.
My eyes say more of me than what you dare to say.

All I know of you is all the sights of war.
A film by Coppola, the helicopter's roar.

One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know your soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.

Tell me all about my colour, my hair and my little feet
That have carried me every mile of the way.

Want to see your house, your streets. Show me all I do not know.
Wooden sampans, floating markets, light of gold.

All I know of you is the sights of war.
A film by Coppola, the helicopter's roar.

One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know your soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.

And Buddha’s made of stone watch over me
My dreams they lead me through the fields of rice
In prayer, in the light…I see my kin
I touch my tree, my roots, my begin

One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know your soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.

One day I’ll walk your soil
One day I’ll finally know your soul
One day I’ll come to you
To say hello…Vietnam
To say hello…Vietnam
To say xin chào… Vietnam


Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Hồi Hương

Từ quê hương trời Chúa Giê-su hành trình đến xứ lạ trần gian để đem chúng ta, con cái của Cha Trời, hồi hương.  Để hoàn thành sứ mạng này Chúa Giê-su đã chịu nhiều thống khổ.  Có điều lạ, suốt cả hành trình đau đớn này Ngài không bao giờ rên xiết cơn đau thể xác.  Thậm chí trên thập tự giá.

Trong cơn hãi hùng vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài thốt lên, “Linh hồn ta buồn bực cho đến chết” (Mathiơ 26:38).  Trong cơn đau đớn thể xác khủng khiếp vì những trận đòn suốt đêm, vì đinh đóng tay chân, vì cơn khát giữa nắng cháy, Ngài có một nỗi đau lớn hơn nữa đó là nỗi đau tinh thần vì bị bỏ rơi bởi chính Cha được tóm gọn trong một lời tự hỏi, “Eli, Eli, lema sabachthani?”  “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Nỗi đau linh hồn, cơn dằn vặt tinh thần thật vượt quá trận kinh hoàng  tra tấn  thể xác!

Chẳng lạ gì hai nước giàu có nhất thế giới là Mỹ và Nhật lại có tỉ lệ tự tử thứ nhì và nhất toàn thế giới! 

Rất nhiều lần, nếu không là hầu như mỗi ngày, mỗi chúng ta đều trải qua cơn “linh hồn ta buồn bực cho đến chết.”  Gọi là “cơn” vì nó đến rồi đi, rồi lại đến.  Có khi nhiều lần trong ngày.  Chúng ta sợ “cơn” này nên tìm cách trốn chạy bằng nhiều cách như: bận rộn công việc—có khi là việc hội thánh, dìm mình trong vui thú, hoặc say sưa làn thuốc trắng.  Bằng cách này cách nọ, chúng ta trốn chạy cơn đau của linh hồn với những triệu chứng cô đơn, thất vọng, lo sợ, nghi ngờ, và hàng chục liệt kê khác nữa.  Tệ hại thay là “cơn” đau này!

Nhưng đây là một huyền nhiệm, huyền nhiệm của Nước Trời, quê hương thật của chúng ta, mà chúng ta sẽ được thừa hưởng “miễn chúng ta đồng chịu đau đớn với Ngài, để rồi được vinh hiển với Ngài” (Rôma 8:17).  Qua cơn đau Chúa Giê-su đã phục sinh vinh hiển.  Qua cơn đau chúng ta sẽ lớn lên trở nên giống Chúa Giê-su.

Vậy nếu có những cái khiến linh hồn chúng ta đau đớn được, thì cũng có những cái tương phản lại để khiến linh hồn chúng ta vui thỏa được.  Không phải từ vật chất, không phải do thể xác, vì cơn đau linh hồn lớn hơn thể xác.  “Xin cho tôi những cái đó để thỏa mãn linh hồn tôi,” chúng ta ai cũng muốn vậy.  Và chúng ta ai cũng đề nghị ra những cái đó như: phải đầy dẫy Thánh Linh, phải có đức tin, phải học Lời Chúa, phải . . . phải . . . và phải . . . Tất cả đều đúng và chúng ta đã làm nhiều.  Nhưng sao linh hồn chúng ta vẫn không thể bình an và vui mừng mãi mãi trong cuộc hành trình dài hồi hương này.  Thậm chí, lắm khi chúng ta dẫm nhau tranh hàng tiên phong hành hương nhân danh Đấng mình phục vụ!  Thế thì có những cái đó khác nữa không? 

Chính Chúa Giê-su cho chúng ta những cái đó:

“Lòng các con đừng bối rối, hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa.  Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; nếu không có, Ta đã nói cho các con rồi.  Ta đi sắm sẵn cho các con một chỗ.”  (Giăng 14:1, 2). 

Bao lâu chúng ta chưa hiểu và tìm được nguồn gốc của mình, bấy lâu nỗi khắc khoải đó còn trong chúng ta. Đó là lý do duy nhất Chúa Giê-su đến với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn dòng đời mà hướng ra biển rộng thiên đường.

Ai cũng cần một quê hương, một nơi để mình cảm thấy được thuộc về, được gần gũi và gắn bó.  Đó là bản chất con người mà Cha Tạo Hoá đã đặt vào lòng tạo vật một khao khát hồi hương.  Cô bé Thụy Sĩ gốc Việt Quỳnh Phan đã bộc lộ khao khát tìm về cội nguồn của mình qua bài “Hello Vietnam!”

 http://www.youtube.com/watch?v=94y6svVU4so

“Rồi sẽ có một ngày con đặt đôi chân về đất mẹ”

Rồi sẽ có một ngày chúng ta đặt đôi chân về đất mẹ mà Đấng Cứu Thế đã dành sẵn cho chúng ta.

 Maranatha! Xin Chúa mau đến!


November 16, 2011


Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Sự Hiện Diện Quyền Năng

Sự hiện diện là sự có mặt, presence trong tiếng Anh—một ảnh hưởng siêu nhiên được mọi người cảm nhận được (nghĩa thứ sáu của presence theo The American Heritage Dictionary of the English Language, 4th Edition).  Đó là sự hiện diện yn:ïP' (đọc fana, trong tiếng Do-thái, nghĩa đen là face, cái mặt) của Chúa Trời vào một chiều vàng mà A-đam và Ê-va phải ẩn mình (Sáng 3:8).  Đó là hiện diện  fana của Chúa Giê-su mà ma quỷ nhận ra lập tức trước ai hết.  Đó là hiện diện fana của Chúa Thánh Linh mà cô gái bói toán tức khắc la lên khi gặp các sứ đồ (Công 16:17).  
 
Và đó cũng là hiện diện fana của chúng ta, vì Chúa Thánh Linh ở trong chúng ta, Chúa Giê-su Em-ma-nu-ên đồng hành với chúng ta.  Chúng ta là đền thờ sống và di động của Chúa Trời, Đấng đang đi lại giữa chúng ta (2 Côr. 6:16).   Chúa Trời luôn nhắc nhở dân sự về sự hiện diện của Ngài qua Bread of the Face, Bread of the Presence, Bánh Trần Thiết, Bánh Hằng Hiến, Bánh Hiện Diện (Xuất 25:30).   Chúa Giê-su tiếp tục nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Ngài qua Tiệc Thánh và phán “Ta là bánh sự sống.”  Và hứa chính Chúa Thánh Linh ở luôn cùng chúng ta.

Chúa cũng nhắc nhở chúng ta sự hiện diện của Ngài qua s hiện diện của anh chị em chúng ta.  Ngài sai các môn đồ ra đi từng cặp để sự hiện diện của người này là sức mạnh nâng đỡ người kia.  Thật khủng khiếp và quá sức nếu mỗi người chúng ta phải một mình làm chứng nhân cho thập tự giá của Đấng Christ mà không có sự hiện diện của đồng đạo. 

Chúng ta thường lầm lẫn xuất hiện với hiện diện.  Có thể chúng ta xuất hiện trong buổi party, trong văn nghệ gây quỹ, trong ban chứng đạo, trong đoàn truyền giáo, trong mục vụ hội thánh, nhưng chúng ta không hiện diện ở đó.  Hiện diện là hành động, là đồng hành.  Anh hiện diện với tôi nghĩa là anh đồng hành với tôi.  Chắc ai cũng đôi lần đối diện nhau trong cuộc đàm thoại, trong cùng bàn tiệc, trong cùng buổi cầu nguyện, nhưng lòng chúng ta lại ở nơi khác. Chúng ta hay hỏi nhau, “Hồn để đâu vậy?”  Chúng ta xuất hiện nhưng không hiện diện.  Vì thế sự hiện diện đó tẻ nhạt, trống vắng, thiếu sức sống và rồi chúng ta càng lúc càng rút lui vào sự cô đơn riêng của mỗi người vì không cảm nhận sự hiện diện của người cạnh mình.  Môi-se cũng sợ hãi sự cô đơn này và không dám đi tiếp vào đất hứa cho đến khi Chúa Trời hứa “Sự hiện diện fana của Ta sẽ đi với ngươi” (Xuất 33:14). 

Ba Ngôi Chúa Trời hiện diện với nhau và với chúng ta là gương mẫu cho chúng ta hiện diện fana với nhau và với thế gian.  Chúa Giê-su cầu nguyện dâng chúng ta cho Chúa Trời nhưng “không xin Cha cất họ khỏi thế gian” (Giăng 17:15).  Chúa muốn chúng ta hiện diện fana trong gia đình, trong hội thánh, trong sở làm, trong văn phòng chính phủ, trong trường học, trong nhà tù, trong viện dưỡng lão, trong bịnh viện.  Trong khắp thế gian.  Hiện diện quyền năng.  Vì “Tin Lành này phải giảng ra khắp đất.”  Tin Lành sẽ không giảng ra khắp đất được nếu không có sự hiện diện quyền năng của chúng ta.

Anh Thuận homeless nói với tôi trong nước mắt trong một buối thờ phượng ngoài vỉa hè đối diện một văn phòng tôn giáo, “Tôi homeless đã ba năm nay và ‘cắm dù’ ở đây đã lâu, chưa một lần nào họ bước sang đường nói một lời hello với tôi.”  Anh Thuận cần một hiện diện, một hiện diện không cần nói nhiều nhưng powerful, hiện diện fana, đủ quyền năng thay đổi anh từ tay nghiện cờ bạc thành tay đàn guịar pro.

Đó là lý do cho lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho chúng ta, “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian . . . Như Cha đã sai Con vào trong thế gian, Con cũng sai họ vào trong thế gian.” (Giăng 17:15, 18).  A-men.

November 10, 2011

http://www.facebook.com/#!/video/video.php?v=10150563140093009&notif_t=video_processed

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Sự Hiện Diện Vinh Hiển

Một trong ba cám dỗ lớn nhất của loài người, mà Chúa Giê-su đã trải qua trước khi vào mục vụ, đó là muốn hợp tình hợp lý, là cái nhìn của lý trí.  Đói thì phải ăn.  Rất hợp lý.  Không ai có thể chối cãi được.  Nhưng mọi chuyện dường như hợp lý lại là nghịch lý với Chúa Giê-su, vì Chúa Giê-su có cái nhìn rộng hơn, lớn hơn, cao hơn, sâu hơn, đó là nhìn vào ý nghĩa hiện diện của sự vật. 
 
Với cái nhìn hợp lý theo lý trí, không gì sợ hơn cho loài người bằng cái đói.  Người ta hay nói, ‘Nắm bao tử là nắm tất cả.”  Nhưng với cái nhìn hợp lý theo đức tin, Chúa Giê-su bảo, “Hãy nhìn các chim trời . . . Hãy nhìn hoa huệ ngoài đồng . . .” (Ma-thi-ơ 6).  Chim không nói và hoa không cười nhưng sự hiện diện yên lặng của chúng lại làm chứng về tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời hơn tất cả những bài giảng hùng hồn nhất trên bục giảng.  Chim trời không gieo, không gặt, không tích trừ nhưng Cha trên trời nuôi chúng.  Hoa đồng không dệt tơ, không kéo chỉ nhưng không một y phục fashion thế giới nào đẹp bằng màu sắc và hình dáng hoa.  Cha không tạo ra bất cứ một vật gì trong vũ trụ này lại không có mục đích riêng của nó cho phúc lợi loài người, là loài được Ngài yêu thương nhất.  Cha tạo nên chim trời không phải để nó bay, nhưng để loài người nhìn chim trời mà được bình an.  Cha tạo hoa đồng không phải để bướm lượn nhưng để loài người ngắm hoa mà nhớ Cha.  Cả chim trời, cả hoa đồng, cả vũ trụ được Cha dựng nên để phục vụ loài người.  Ôi kỳ diệu thay là tình yêu của Cha!  Tác giả Thi Thiên cũng có cái nhìn đức tin này, “Hết thảy từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Thi 19). 
Chúng ta cần cái nhìn của Chúa Giê-su để nhận ra tình yêu của Cha qua sự hiện diện của chim và hoa.
Có thể lắm.  Có thể được.  Có thể chúng ta tập nhìn sự hiện diện của chim trời nhỏ bé và hoa đồng mong manh để thấy Chúa.  Nhưng có bao giờ chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của chị Lan Bolsa để thấy Chúa Giê-su không?  Chị Lan homeless đã mười năm nay.  Lang thang phố Bolsa.  Đen đúa vì nắng cháy.  Nhảy múa vì điên cuồng.  Quần áo như cải lương.  Thật không bình thường.  Nhưng sự hiện diện của chị Lan giá trị hơn chim trời và hoa đồng.
Được quen chị Lan từ tháng Ba, 2011, đến nay, chúng tôi thờ phượng Chúa với chị và anh Thuận, bạn homeless của chị, mỗi Chúa Nhật.  Chúng tôi gọi nhóm thờ phượng của chúng tôi là “hội thánh Vỉa Hè.”  Chuyện dài dòng nhưng xin vắn tắt.  Anh Thuận đã bỏ cờ bạc và sắm được hai cây guitar.  Chị Lan đã không còn lang thang nhảy múa ngoài đường xá giữa thanh thiên bạch nhật nắng cháy da.  Anh chị hầu như mỗi ngày sánh vai hát rong ở chợ Saigon City, chợ ABC, khu vịt quay Liên Hoa.  Từng bước nhỏ, họ đã đổi đời.  Da mặt chị đã hồng hào trở lại.  Ngón đàn anh Thuận lại lả lướt như xưa.  Họ đã biết nói a-men.  Khi cầu nguyện, anh chị chỉ xin một điều: Chị Lan không  chưởi bới om xòm bâng quơ, anh Thuận được thanh tẩy toàn diện.  Sự hiện diện của anh chị là phước hạnh cho hội thánh Vỉa Hè và bày tỏ tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời.
Chim trời chỉ đáng vài xu, hoa đồng sớm nở tối tàn; thế mà sự hiện diện của chúng được Chúa Giê-su dùng nhắc nhở chúng ta để nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.  Hơn cả chim và hơn cả hoa, anh Thuận chị Lan là bảo vật đời đời qua huyết Chúa Giê-su, là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được,  thì sự hiện diện của anh chị càng đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời biết bao! 
Câu sáo ngữ thường nói, “Sự hiện diện của anh chị . . . là vinh hạnh cho chúng tôi.”  Sự hiện diện của anh chị Thuận-Lan là vinh hạnh cho chúng ta; vì như chim trời và hoa đồng, sự hiện diện của anh chị là vinh hiển cho tình yêu và quyền năng  biến đổi của Đức Chúa Trời.
November 08, 2011
Xin xem cuộc phỏng vấn chị  Lan cách đây hơn một năm:
http://www.youtube.com/watch?v=h9NSQSrxqkQ&feature=related

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Thực Hành Yêu Thương

Không ai sống mà không yêu và không được yêu.  Yêu là nhu cầu căn bản, cần thiết, và sống còn của con người là chủng loại mang hình ảnh (bản chất) của Đấng dựng nên con người.  Ngài là yêu thương, God is love.  Thế nhưng chúng ta có thật sống với tình yêu không? Không hiểu điều gì thì không sống trọn vẹn điều đó.  Phải hiểu yêu thương rồi mới sống yêu thương.  

Thế nên phải học hiểu yêu thương suốt đời, với mọi nỗ lực bất toàn, mọi kinh nghiệm bất đắc dĩ, mọi môi trường bất khả kháng.  Học thực hành yêu thương.  Practice makes perfect.

Chắc hiếm người hiểu thực hành yêu thương hơn Bác Lân gái.  Mười chín tuổi Bác đính hôn.  Hai muơi tuổi thành hôn.  Hai mươi hai tuổi ôm con đầu đời.  Mười sáu năm nuôi bốn con trẻ và sống đời vợ lính thường khi xa nhà trong thời đao binh khói lửa do huynh đệ tương tàn khốc liệt để lại ba triệu bảy mồ Việt 

(Bác Lân gái - trái- 2010)           

và năm mươi lăm ngàn xác Mỹ.  Thêm tám năm vò võ tay gầy nuôi bầy con khi chồng lính gạt nước mắt vứt bỏ áo trận để hận mình khoác áo tù chốn rừng hoang gió cắt, ngẫm bài, “Gậm một khối căm hờn trong củi sắt, Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.”
    
Nhưng ngày tháng dài cũng phải qua.  Tám năm trời đăng đẳng.

Ngày vui của gia đình Bác Lân gái chưa trọn  được bảy năm (1983-1990) khi Bác Lân trai trở về đô thị, thì một lần nữa bàn tay oan nghiệt lại cướp đi hạnh phúc đơn sơ của Bác gái: Bác Lân trai bị stroke (tai biến mạch máu não) gây liệt suốt đời hai mươi mốt năm còn lại (1990-2011). 

Và đó cũng là quãng đời còn lại của Bác Lân gái, để học nhiều hơn nữa về yêu thương khi chăm sóc Bác Lân trai hai mươi mốt năm.  Mười sáu năm vợ chinh nhân.  Tám năm vợ tù nhân.  Hai mươi mốt năm vợ bịnh nhân.  Thế đó bốn mươi lăm năm đời Bác Lân gái là những chuỗi tháng ngày học thực hành yêu thương.  Dù muốn dù không, dù mạnh dù yếu, dù vui dù buồn, dù cười dù khóc, dù gì đi nữa Bác Lân gái cũng đã trải qua bốn mươi lăm năm thực hành đại mạng lịnh Chúa Giê-su truyền: Yêu Chúa và yêu người như yêu chính mình.  

Tự chúng ta cũng biết là thật vô cùng, vô cùng khó cho Bác Lân gái có thể trải qua cuộc đời như vậy mà không bị cám dỗ bỏ cuộc hành trình vác thập tự giá.  Nhất là đối với người phụ nữ có sắc đẹp mặn mà lại thêm tính tình thuỳ mị và giọng nói gió thoảng của Bác Lân gái.  Ai ở nhà thờ Tô Hiến Thành lại không biết dung nhan và đức tính của Bác Lân gái?  Ít nhất hai lần, chính tôi nghe tin có người muốn chắp chỉ xe tơ với Bác gái, nhưng Bác gái đều từ chối cuộc đời mới hứa hẹn nhẹ gánh nợ đời.

Hôm qua trong cuộc điện đàm dài với Bác Lân gái, sau đám tang Bác Lân trai được mười ngày, tôi mạn phép hỏi: “Nếu Bác phải nói một lời để lại cho chúng con sau những thăng trầm của đời Bác, Bác sẽ nói gì?"  Không ngần ngừ, Bác nói: 

    “Không có Chúa ban tình yêu thương của Chúa cho Bác, Bác không yêu thương nổi và không làm nổi điều gì.  Mình phải dầm mình trong cầu nguyện để hiểu và thực hành yêu thương.  Không tình yêu thương con không thể chăn bầy chiên Chúa giao cho.  Chúa biết sức lực mỗi chúng ta.  Hai, ba tháng vừa qua Bác cảm thấy đuối lắm không thể chịu nổi nữa con à, thì tự nhiên bác sĩ gọi báo cho Dung là Bác trai bị stroke lần hai và qua đời rồi.  Cám ơn Chúa đã cất Bác trai đi rất nhẹ nhàng ở tuổi 77.  Còn về phần Bác, Bác cám ơn Chúa đã cho Bác tình yêu thương Bác trai đến phút cuối cùng.”

Tôi thấy Chúa Giê-su qua Bác Lân gái.  “Ngài đã yêu những người của mình trong thế gian, thì Ngài cứ yêu cho đến cuối cùng.” (Giăng 13:1).  Trong đó, có cả Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

Theo chân Chúa Giê-su, “Bác Lân gái đã yêu những người của mình trong thế gian, thì Bác Lân gái cứ yêu cho đến cuối cùng.” 

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thấy Chúa Giê-su

Có bao giờ bạn thấy Chúa Giê-su?  “Ai là Chúa Giê-su được?” Nhiều người hỏi ngược lại vậy.  

Các môn đồ không nhận diện ra Chúa Giêsu.  Chúa dạy họ: "Thấy ai đói con cho ăn; thấy ai khát con cho uống; thấy ai lõa lồ con cho mặc; thấy ai khách lạ con tiếp rước; thấy ai bịnh con thăm; thấy ai tù con viếng. Ấy là con làm cho Ta." (Mathiơ 25).  Họ không thấy nên không làm.  Thấy rồi mới làm được.  
Họ chưa quen thấy Chúa trong anh chị em cùng gia đình đức tin.  

Khi chúng ta tin Chúa, Thánh Linh ngự trong chúng ta, nghĩa là Chúa Trời Ba Ngôi ngự trong chúng ta.  Hài nhi Giê-su giáng sanh ra trong máng cỏ súc vật.  Đấng Cứu Thế Phục Sinh ngự trong mỗi môn đồ đau khổ.  Để phục vụ Chúa, trước hết phải thấy Chúa qua những anh chị em khốn khổ đó. 

Trong tang lễ Bác Lân, ít nhất hai lần tôi nghe ai đó nói: “Sao Chúa lại để Bác bị stroke nằm liệt 21 năm?  Bác đi vậy mà khỏe cho người sống!”  Đó không phải là cái nhìn của Chúa Giê-su.  Với con mắt Chúa Giê-su, Bác Lân đồng hành với Chúa trong mục vụ của một thống khổ nhân.  Cũng như Chúa Giê-su dạy môn đồ cầu nguyện, vì họ không biết phải cầu nguyện thế nào, Bác Lân dạy tôi rất nhiều về cầu nguyện.  Có ai gặp thăm Bác Lân mà không buộc phải cầu nguyện?  Có ai viếng  Bác Lân mà lòng lại không chùng xuống khi nhìn thấy Bác “bị áp bức và khổ sở nhưng không hề mở miệng. Như chiên bị dẫn đi làm thịt, như cừu câm nín đứng trước kẻ hớt lông.”  Gặp Bác Lân là phải cầu nguyện.  

Chúng ta có thấy Chúa Giêsu qua Bác Lân?  Bác Lân dạy chúng ta cầu nguyện: cầu nguyện bằng những lời than thở không nói nên lời, cầu nguyện từ sâu thẳm tấm lòng.  Cha trên trời sẽ nghe chúng ta từ nơi kín nhiệm đó.

  Thank you, Bác Lân!