Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Cầu Nguyện Là Gì? (Phần 6)

*(mondoJesus.blogspot.com) Cầu nguyện là hơi thở.
Chúng ta hay nói, “Khi nào có chuyện gì khẩn thiết cần Chúa giải cứu, tôi mới cầu nguyện, bình thường thì không.”  Rất đúng.  Nhưng xin hỏi, “Có khi nào bạn không cần Chúa?”  Chỉ ba phút không hít thở là bịnh trầm kha thể xác.  Cũng vậy, chỉ ba phút không cầu nguyện là bịnh tâm linh. 
Người bịnh tâm linh là người không còn được giao thông với Đấng Tạo Hoá (nếu không nói là chết tâm linh), dù thân thể vẫn đi đứng, ăn nói.  Đây là người mà Chúa Giê-su phán, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” 
Thật, nếu chúng ta không thể cầu nguyện với Chúa liên tục, hoặc ít ra mỗi ba phút để lấy “hơi,” thì cũng không thể cầu nguyện với Chúa mỗi khi gặp chuyện khẩn thiết.  Khi khẩn thiết đó, lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là van xin thần hộ mệnh giải cứu mình; vì, như trong các bài trước đã nói, cầu nguyện là tâm sự với Chúa.  Nếu chúng ta có người bạn thân để tâm sự, mà chỉ gọi người bạn đó khi cần tiền, thì chắc bạn ta sẽ buồn vô cùng.  Tiền, chứ không phải tình, là nhịp cầu tâm sự!
Chẳng lạ gì, Phao-lô nói, “Hãy cầu nguyện không thôi.”  Hay nói cách khác, cầu nguyện là hơi thở, vì chỉ có hơi thở mới ‘không thôi.’ Ngoài Chúa Giê-su, Phao-lô là người kinh nghiệm được chân lý này.  Ông là người vào sinh ra tử; đối đầu với vua chúa, với bạo quân, với các lãnh đạo thế tục lẫn tôn giáo.  Ông phải đối đầu với các anh em giả dối, là chồn cáo giả làm chiên lành, Sa-tan giả làm thiên sứ sáng láng, những perfect spy, điệp viên tuyệt hảo.  Làm sao Phao-lô có thể sống sót được trong những nghịch cảnh bão tố như thế, nếu không phải là cầu nguyện để nương cậy sức siêu nhiên từ Đấng Siêu Nhiên? Hãy nghe ông tường thuật cuộc chiến của ông:
Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn; bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhơn từ, bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình, bởi lời chân thật, bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả; dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết; ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!   (2 Côrinhtô 6:4-10)
Và Đấng Siêu Nhiên đó đã ban cho ông chiến thắng nhờ lời cầu nguyện, vì cầu nguyện là chiến đấu một cuộc chiến đã chiến thắng, đang chiến thắng và tiếp tục chiến thắng cho đến ngày đại thắng khi tiếng kèn chót thổi vang. 
Có thể cuộc chiến của bạn và tôi chỉ là một trong những cuộc chiến của Phao-lô.  Có thể bạn đang trong cuộc chiến kiêng ăn, hoặc thiếu thốn, hoặc hoạn nạn, hoặc đòn vọt, hoặc lao tù, hoặc tổng hợp vài chiến trận trên.  Có thể bạn bị ngó như kẻ phỉnh dỗ, như mang tiếng xấu, như gần chết, như bị sửa phạt.  Nhưng so với Phao-lô và những bạn đồng lao của ông, cuộc chiến của chúng ta không dữ dội và ác liệt như họ đâu.  Và cuối cùng, ông đã xong cuộc chiến và chiến thắng như lá thư cuối cùng của ông kể lại cho đứa con tâm linh:
Về phần ta, ta đang bị đổ ra như một của lễ quán, thời điểm ra đi của ta đã gần.  Ta đã đánh trận tốt đẹp, ta đã hoàn tất cuộc đua, ta đã giữ vững đức tin.  Giờ đây mão chiến thắng của sự công chính đang để dành cho ta.  Chúa, Vị Thẩm Phán công bình, sẽ ban nó cho ta trong ngày ấy; và không phải chỉ cho ta, nhưng cũng cho tất cả những người yêu mến sự hiện đến của Ngài.  (2 Ti-mô-thê 4:6-8)

Cầu nguyện cũng là hơi thở vì có hai tác dụng, thải và thu.  Như hơi thở thải ra độc khí và thu hồi dưỡng khí ô-xy cho sự sống, cầu nguyện thải ra độc ngữ và thu hồi lành ngữ cho sự sống của chúng ta, là những tiểu Giê-su, little Jesus. 
Trong cầu nguyện, chúng ta trút đổ tâm sự cay đắng lẫn ngọt bùi lên đôi vai oằn oại roi đòn của Chúa trước khi ta kịp thốt một lời dữ lên anh chị em mình.  Và thế, chúng ta giữ mình được trọn vẹn.  “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm.  Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia-cơ 3:2).  Cầu nguyện khiến chúng ta được là người trọn vẹn.
Đồng thời, như dưỡng khí ô-xy đem lại năng lượng cho tế bào thân thể, cầu nguyện đem lại năng lượng cho tế bào tâm linh. 
Gió càng to thì lửa càng lớn, vì gió đem ô-xy vào lửa.  Tế bào càng khỏe khi ta hít thở càng nhiều ô-xy.  Cũng vậy, đời sống tâm linh càng mạnh khi ta cầu nguyện càng nhiều vì cầu nguyện là hơi thở chứa ô-xy.
Giữa cuộc đời ba chìm bảy nổi, hay giữa sa mạc sáng nắng chiều khô, cầu nguyện không thôi giúp ta vươn lên không thôi như các “Nữ Hoàng Sa Mạc” tô điểm trần gian và đem vinh quang cho Chúa sau đây:*

Nữ hoàng vùng sa mạc

Nữ hoàng vùng sa mạc đẹp lung linh sắc thắm.
Có một loài hoa không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất. Đó chính là hoa xương rồng. Suốt đời sống ở những nơi khô cằn khắc nghiệt, đến nỗi lá phải biến thành gai, đến nỗi thân phải biến dạng thành những hình thù gân guốc xấu xí. Nhưng không vì thế mà xương rồng không nở ra những đóa hoa tuyệt đẹp. Những cánh hoa mềm mượt, óng ả với đủ sắc màu vẫn kiêu hãnh trong nắng gió.


































Nếu phải đổi lời ca tụng hoa xương rồng, từ lời giới thiệu trên, thành Cơ-đốc-nhân, thì chúng ta có thể nói như sau:
Có một loại người không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất.  Đó chính là Cơ-đốc-nhân.  Suốt đời sống ở những nơi khô cằn khắc nghiệt, đến nỗi tay phải biến thành chai, đến nỗi thân phải biến dạng thành những hình thù gân guốc xấu xí.  Nhưng không vì thế mà Cơ-đốc-nhân không nở ra những trái Thánh Linh tuyệt đẹp.  Những trái “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” với đủ sắc màu vẫn kiêu hãnh trong nắng gió.
Bí quyết của các Nữ Hoàng Sa Mạc là gì?  Cứ gieo mình trong nắng gió không thôi.  Bí quyết của các Cơ-đốc-nhân là gì?  Cứ gieo mình trong cầu nguyện không thôi.  Phần còn lại, là quyền năng của Đấng Yêu Thương.

by Thang Chu
February 28, 2012
* Note:  Cám ơn người chị em Tiêu Thị Lê đã gửi tôi “chân dung” các “Nữ Hoàng Sa Mạc”



Không có nhận xét nào: