Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Thư Gửi Con

California July 19, 1995


Đêm qua giấc ngủ không tròn
Bố nằm thao thức nhớ con, nhớ nhà.
Trải bao tháng lại ngày qua
Bố đi năm ấy chốc đà ba niên.
Bố đi con ngủ bình yên,
Mẹ ngồi bên bố lặng im thẫn thờ;
Tim thổn thức, mắt lệ mờ
Một lời ngắn ngủi: “Em chờ, con mong.”

Máy bay lượn giữa trời không
Bố lòng tan nát nhớ thương ngút ngàn.
Nhớ con, nhớ mẹ muôn vàn.
Nhớ người bạn tốt, nhớ nhà thờ xinh.
Bỗng đâu thế giới lunh linh
Qua làn nước mắt một mình bố thôi.
Người ta vui vẻ nói cười
Bàn chuyện xứ Mỹ xứ người văn minh.
Một mình bố khóc một mình
Một lần chia cách, một nghìn nhớ thương.

Máy bay đáp xuống phi trường
Giờ thì thật hết quê hương đâu rồi!
Ôi trời, ôi đất, ôi đời!
Đâu người vợ trẻ, đâu người con thơ!
Xứ người lạnh lẽo sương mờ
Nẻo xa mây phủ lập lờ quê hương.
Cách bao sông núi đại dương
Bố buồn tự hỏi con đương làm gì?
Chắc giờ con đã tập đi
Bi bô tập nói “a,” “i” một mình.
Khắp nhà con chạy xập xình,
Ngây ngô đùa giỡn vô tình biết chi;
Để mình mẹ khóc mỗi khi
Thương con, nhớ bố, buồn gì buồn hơn!
Một mình mẹ cảnh cô đơn
Trăm cay nghìn đắng nuôi con dãi dầu.
Nhiều khi không biết ở đâu
Ăn nhờ ở đậu mai sau ai ngờ?
Vai này mẹ gánh con thơ
Vai kia mẹ gánh mong chờ nghìn cân.
Đêm khuya thao thức âm thầm
Mẹ dâng Chúa nỗi ngấm ngầm vọng phu:
“Cha ơi! Năm ấy mùa Thu
Chồng con cất bước giã từ con đi
Mong xây đắp mộng tương lai
Trời Tây xứ lạ miệt mài sử xanh;
Chung quanh tội lỗi dỗ dành
Dễ dàng sa ngã vào vành Sa-tan.
Xin Cha giữ lấy lòng anh,
Sớm về đoàn tụ tình xanh duyên nồng.
Quê nhà vợ nhớ, con mong
Xin Cha giữ hộ chồng con, con mừng.”
Lời thiêng bạt núi băng rừng
Đại dương cũng vượt muôn trùng đến đây
Giữ gìn bố khỏi vũng lầy
Tuy rằng cách mặt, lòng nầy thủy chung.

Con ơi! Bố thương vô cùng
Mẹ, con, chị nữa cùng chung một đời.
Mai sau các con nên người
Đừng quên bố mẹ suốt đời thương con.
Bố tuy cách trở nước non
Cũng là lo lắng cho con sau này.
Mẹ tuy có đánh la rầy
Cũng là mong mỏi con mai thành người.
Con ơi nhớ lấy những lời
Bố mẹ dạy bảo suốt đời giữ vâng:
“Sống chân thật, không giả đần;
Làm người ngay thẳng, yêu dân thương đời.
Hằng ngày chiêm nghiệm Chúa Trời,
Con đường Chúa dẫn suốt đời chớ xa.
Hết lòng hiếu kính mẹ cha.
Tình bằng hữu giữ đậm đà không phai.
Học hành chăm chỉ thành tài,
Chớ mà biếng nhác ai ai cũng cười.
Con ơi nhớ lấy những lời
Bố mẹ dạy bảo cho đời con nên.”

Bố thương con lắm Ru-bên
Đêm nằm bố mớ, bố kêu con hoài.
Mỗi lần bố thấy con ai
Bố chợt nhớ tới con trai bố này!
Con bố, ôi rất đẹp trai,
Khôi ngô, tuấn tú, anh tài tương lai.
Hình con bố cất ví tay
Khi nào bố nhớ giở ngay ra nhìn.
Chiều chiều bố dạo công viên
Ngắm bầy trẻ nhỏ hồn nhiên vui vầy.
Bố ước gì có con đây
Bố làm con ngựa, con cầy con leo.
Mẹ thì lẽo đẽo đi theo
Sợ con vui quá leo trèo ngã đau.
Bố, mẹ, con, chị cùng nhau
Sống vui trong Chúa không cầu cao sang;
Miễn ta có tấm lòng vàng
Yêu người, kính Chúa, thiên đàng là đây.


Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Quê Anh

By Thang Chu           California-  October 6, 2014

(Tặng bạn fb Le Tam với bài thơ Quê Em)



Quê anh Mỹ Quốc tự do
Tự do ăn nói, tự do nhân quyền.
Như mây bát ngát thiên nhiên
Con người đích thực được quyền sống vui
Người nghèo chính phủ tới lui
Người giàu đóng thuế gấp đôi bình thường
Người nghèo miễn phí nhà thương
Người giàu bảo hiểm bao rường chắc ăn
Người mù, người điếc, phế nhân
Nghìn đô mỗi tháng không cần xin ăn.
Đường phố, nhà cửa nắp ngăn
Xe ô-tô chạy theo lằn dọc ranh
Sorry một tiếng làm lành
Là câu cửa miệng xử hành với nhau.
Lãnh đạo phải được dân bầu
Dân là gốc rễ, đảng hầu nhân dân
Các đảng tranh cử rần rần
Tranh nhau để được phục dân vụ tình.
Các đảng làm hết sức mình
Để dân quyết định tình hình quốc gia
Dân bỏ phiếu đảng văng xa
Nếu đảng phục vụ chẳng ra hồn người.
Đảng nào tham nhũng nuốt tươi
Chỉ cần lá phiếu dân bươi tới cùng.
Quê anh chẳng có dân oan;
Quê em dân oán, dân oan, dân oằn!
Dân oằn đã sáu mươi năm,
Một chín năm bốn (1954) hai lằn bắc nam.
Cộng thêm một chín bảy lăm (1975)
Đến nay đã chẵn tinh chằn sáu mươi.
Phải chi quê em tỉnh người
Mà sang học hỏi tuyệt vời quê anh.
Quê anh tổng thống đàng hoàng,
Ông nào láng cháng dân phang lỗ đầu.
Đời tư, đời cộng moi sâu
Cho mà bẽ mặt dám đâu làm quàng.
Vì khi nhậm chức đăng quang
Đặt tay tuyên thệ trên tràng Thánh Kinh.
“May God help me” thực hành
Tự do, hạnh phúc, công bằng cho dân.

Vài lời giới thiệu quê anh
Mong ngày hội ngộ quê thành quê em.



Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Những Người Biểu Tình Dân Chủ Hong Kong Mang Sứ Mạng Cơ-Đốc Đến

Hội Thánh Bám Sâu Rể  vào Xã Hội Hong Kong

By Ned Lein  -     Dịch: Thang Chu


                                             Đức Hồng Y Joseph Yen lên tiếng tại sao ngài 
                                                         ủng hộ biểu tình đòi dân chủ 

Những người biểu tình hiện đang khuấy động Hong Kong về dân chủ.  Nhưng có một dòng ngầm khác, xưa hơn nhiều căng thẳng đó: Giữa Cơ-đốc-giáo và Cộng Sản Trung Hoa.

Các hội thánh Hong Kong đang đóng vai trò yên lặng nhưng quan trọng trong những biểu tình thành phố đó, cung cấp lương thực và chỗ ở cho người biểu tình, cùng với những người tổ chức và ủng hộ trích dẫn những giá trị Cơ-đốc-giáo để khích lệ cho cuộc đấu tranh của họ.

Ít nhất ba sáng lập viên những nhóm biểu tình chính là những Cơ-đốc-nhân, gồm thủ lĩnh 17 tuổi của nhóm học sinh và hai trong số ba thủ lĩnh nhóm Chiếm Trung Tâm (Occupy Central).  Một trong những sáng lập viên nhóm đó là mục sư và cựu giám mục Công Giáo của thành phố là ủng hộ viên công khai.

Các hội thánh ăn sâu rễ vào mạng dệt xã hội Hong Kong, ngược với Trung Hoa Lục Địa, là nơi tôn giáo kiểm soát chặc chẽ.  Hội Thánh Công Giáo đã thành lập vững chắc tại cựu thuộc địa này năm 1841, chính là năm Anh Quốc giựt được Đảo Hong Kong khỏi tay kiểm soát củaTrung Cộng, cùng với nhiều hệ phái tôn giáo khác theo sau đó.  Từ đó các trụ sở Cơ-đốc-giáo đã trở nên một phần tri giác đời sống Hong Kong.

Trong khi cuộc biểu tình đặc biệt chỉ về bầu cử dân chủ, một số người thấy được cuộc tranh đấu rộng hơn để bảo vệ nếp sống đó khỏi chính quyền cộng sản Trung Cộng đang gia tăng ảnh hưởng lên thành phố đó.  Cơ-đốc-giáo đã là thành phần hiển nhiên của cuộc biểu tình, với những nhóm cầu nguyện, nhiều thập tự giá, và người biểu tình đọc Kinh Thánh trên đường phố.

Mặt khác, một số quan chức chính quyền cao cấp và các lãnh đạo kinh doanh của Hong Kong cũng là Cơ-đốc-nhân, gồm cả viên quan Hạng 2 tên Carrie Lam và cựu Quan Trưởng Hành Chánh (Chief Executive) tên Donald Tsang, là tín đồ Công Giáo.

Cuộc đấu tranh cho dân chủ là “đòi hỏi cho toàn thể nếp sống, toàn thể cách sống, trong thành phố này của chúng ta,” đức Hồng Y Joseph Zen nói, ông về hưu khỏi chức chăn trưởng giáo dân Công Giáo Hong Kong vào năm 2009.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh qua Quan Trưởng Hành Chánh Leung Chun-ying “đem lại cho Hong Kong toàn bộ nếp sống hiện đang thống trị tại Trung Cộng, một nếp sống sai lạc, bất lương, thiếu những giá trị tinh thần,” đức Hồng Y Zen nói, khi đang ngồi trong phòng lạnh chủng viện nhà thờ.  “Chúng ta có thể thấy điều đó đang xảy đến, vì thế chúng ta phải chống lại.”

Một số thấy khoảng cách giữa Cơ-đốc-nhân và chính quyền Trung Cộng không thể nối lại được.  “Cơ-đốc-nhân, theo định nghĩa, không tin tưởng con người cộng sản được.  Người cộng sản đè ép Cơ-đốc-nhân khắp mọi nơi,” ông Joseph Cheng nói, ông là giáo sư môn khoa học chinh trị tại University of Hong Kong và ủng hộ viên những người biểu tình.

Các tổ chức lớn của hội thánh đã đứng trung lập đối với phong trào Chiếm Trung Tâm.  Thủ lĩnh Hội Thánh Công Giáo, đức Hồng Y John Tong, ban bố bản tuyên bố ngắn vào thứ Hai thúc giục chính quyền Hong Kong thực hành “rút lui việc dàn binh bố trận” và kêu gọi người biểu tình “ôn hòa” khi lên tiếng than oán.  Phát ngôn viên Giáo Hội Anh Giáo (Anglican Church) nói hôm tháng Bảy rằng sẽ không khuyến khích giáo dân vi phạm luật pháp.

Nhưng một số nhà thờ đang cung cấp giúp đỡ cho người biểu tình.  Wu Chi-wai, mục sư Giáo Hội CMA Hong Kong, ước lượng rằng hơn phân nửa 1.400 hội thánh tại Hong Kong đã đang tổ chức những nhóm trạm giúp đỡ tiếp cứu phong trào đó.  “Chúng tôi người cầu nguyện và tham gia các hiện trường để hát thánh ca như thể đang ở đêm Chúa Giáng Sanh,” mục sư Wu nói.

 Hội thánh Vine, tổ ấm của hội thánh đa quốc gia khoảng 1.500 người, đã đang cung cấp tiếp cứu, thực phẩm và tỵ nạn cho người biểu tình tại những trung tâm hội thánh tại Wan Chai từ đêm thứ Ba. “Chúng tôi không đứng vị thế chính trị.  Chúng tôi ở đây để phục vụ đồng bào Hong Kong,” mục sư trưởng Andrew Gardener nói, ông nói hội thánh ông đã đang cầu nguyện cho hòa bình thành phố.
Tại hiện trường biểu tình chính vào thứ Năm, cố vấn kỹ thuật IT 50 tuổi tên Alex Cheng đã kiêng ăn 24 tiếng cùng với những Cơ-đốc-nhân khác.  Ông Cheng nói ông thấy một ít nhóm Cơ-đốc-giáo gần đó, mặc dù hầu hết họ giữ âm thầm.  Cạnh ông, sáu người bạn giơ tay lên cầu nguyện yên lặng, khi những người qua đường đọc các bảng viết của họ, một trong bảng đó là lời cầu nguyện xin Đức Chúa Trời “lay động chính quyền để biết lắng nghe.”

Việc tham gia của Tin Lành và Công Giáo vào phong trào biểu tình Hong Kong là mối quan ngại cộng thêm vào cho Bắc Kinh, trên đất liền đang xiết đặt bộ máy quan liêu tỉ mỉ về các đại diện và tổ chức tôn giáo quốc doanh để theo dõi và khống chế những nhóm tôn giáo.

Những hội thánh Hong Kong từ lâu đã cố gắng loan rộng Cơ-đốc-giáo vào Trung Cộng.  Những mục sư Tin Lành có căn cứ ở Hong Kong đã giúp đẩy mạnh những nhánh Cơ-đốc-giáo khiến lãnh đạo Trung Cộng sợ hãi vì sức lan nhanh.

Khoảng 480.000 tín đồ Tin Lành và 363.000 Công Giáo sống tại Hong Kong là thành phố 7,2 triệu dân, theo con số của chính quyền từ năm 2013.  Phật tử và Lão tử chiếm đa số thành phô, chính quyền nói vậy.  Nhiều người Hong Kong đã được giáo dục qua những mạng lưới lớn của các trường học Công Giáo và Tin Lành.

Trong đó có những lãnh đạo biểu tình. Giô-suê Wong (Joshua Wong), 17 tuổi là khuôn mặt công khai cho cuộc biểu tình, anh được học tại một trong những trường tư Tin Lành trong thành phố đó.  Hiên nay đang học đại học, anh Wong lúc ấy là học sinh 15 tuổi tại United Christian College (Kowloon East) năm 2012, khi anh lãnh đạo phong trào gọi là Scholarism đánh bại kế hoạch của chính quyền Hong Kong định đưa giáo dục yêu tổ quốc vào các trường học.

Thủ lĩnh Chiếm Trung Tâm tên Yiu-ming là mục sư Báp-tít, trong khi đó sáng lập viên Benny Tai cũng là Cơ-đốc-nhân.  Hôm thứ Năm, ông Tai từ chối bàn chi tiết về đức tin của ông, nhưng ông tự gọi mình là “thần học gia bán thời gian” (“part time theologian”) và nói ông có thể “viết tiểu luận” về đề tài Cơ-đốc-nhân và biểu tình.  “Đức tin của tôi là trên đường phố,” ông Tai thêm vào.

Wendy Lo, 21 tuổi, sanh tại tỉnh Quãng Đông Trung Cộng nhưng lớn lên tại Hong Kong và trở thành Cơ-đốc-nhân sau khi học một trường tiểu học Tin Lành.  Ngành học chính của cô là ngôn ngữ học tại University of Hong Kong, cô nói rằng nhóm học Kinh Thánh của cô đã thảo luận cách giải thích chuyện Kinh Thánh theo ánh sáng phong trào biểu tình.  Câu chuyện họ đọc về Hoàng Hậu Ê-xơ-tê (Esther) dám đến gần vua dù không được phép của vua.

“Câu chuyện đó khiến tôi nghĩ nó nói với chính tôi,” cô Lo nói.  “Nếu cư dân Hong Kong không lên tiếng cho chính họ, ai sẽ làm đây?”

Đêm thứ Năm, những thiện nguyện viên hội thánh chuyền tay nhau bánh mì cho những người biểu tình, được bọc và niêm phong bằng miếng giấy dán ghi “Chúa Giê-su yêu bạn.”

-          Chao Deng, Charles Hutzler, Joanne Chiu, Nisha Gopalan, Jason Chow và Isabella Steger đã đóng góp vào bài viết này.
  





Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Tình Yêu Cắn Chó



By Thang Chu                                                                                                       May 12, 2014


Tháng Ba vừa qua có một tin lạ.  Người mẹ trẻ 23 tuổi tên Chelse cắn đứt rời tai chó pittbull để cứu con gái mình.  Đó là sức mạnh của tình yêu cắn được chó.  

Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu còn hơn thế nữa.

Tình yêu của Chúa Giêsu mạnh hơn và kỳ diệu hơn vì đối tượng được yêu không  đáng được yêu.   Chúa Giêsu gọi tên “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem” (Ma-thi-ơ 23:37) như gọi tên riêng bạn và tôi.  Riêng đến nỗi Chúa Giêsu đếm từng sợi tóc của bạn.  Thân đến nỗi Chúa Giêsu gọi bạn là bạn chứ không là tôi tớ.  Mạnh đến nỗi Chúa Giêsu như “gà mẹ gom con lại dưới cánh mình” (23:37); tức là gà mẹ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ gà con dẫu phải cắn chó như mẹ Chelse.

Tình yêu đó của Thượng Đế là cái nhân loại cần nhất xuyên suốt lịch sử, vì tình yêu đó chỉ và chỉ tình yêu đó mới mang lại phước hạnh; tức là, nếu không có tình yêu đó, con người không bao giờ sống hạnh phúc dẫu có tiền-rừng-bạc-bể.  Thực ra, càng tiền rừng bạc bể mà không có tình yêu đó thì càng tội-rừng-lỗi-bể.  Người ta sẽ hối tiếc than khóc “phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến” khi lỡ mất cơ hội núp mình dưới cánh gà mẹ Giêsu.

Mỗi khi bạn cô đơn ngã lòng, hãy nhớ tình yêu của Giêsu còn vĩ đại hơn tình-yêu-cắn-chó của Chelse.  

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Tin Buồn C4

By Thang Chu                         May 10, 2014

Một tuần dồn bốn hung tin:
Trần, Lưu, Phạm, Đỗ về miền vĩnh yên.
Luận Trần một bước cõi tiên.
Toàn Lưu để lại vợ hiền hai con.
Gia Phạm tang mẹ vuông tròn.
Thuận Đỗ vĩnh quyết cha, con thâm tình.
Môt tuần quá bất thình lình,
Mới hay kiếp sống như bình hoa tươi.
Năm mươi hoặc thọ chín mươi,
Cũng đành giã biệt thân người ra đi.
Theo Lời Thiên Chúa phán ghi:
“Như đã định trước từ khi con người,
Từ khi lạc bước xa Trời,
Phải một lần chết để rồi xử phân.” (Hê. 9:27)

Mấy lời than thở phân vân,
Gửi về C4 tình thân nhớ hoài.

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Hiểu Lầm Đấng Christ

By Thang Chu                                                                                                                    May 2, 2014



Sứ đồ Na-tha-na-ên khi biết Chúa Giêsu quê ở Na-xa-rét liền phê bình, “Có gì tốt ra từ Na-xa-rét chăng?” (Găng 1:46).  

Na-tha-na-ên, cũng như chúng ta, luôn có định kiến và kiêu hãnh về “địa linh nhân kiệt.”  

Na-tha-na-ên là bạn của Phi-líp, An-đrê, Phi-e-rơ, cùng quê ở Bết-tha-ni, vùng Giu-đa miền nam Do Thái.  Họ luôn có thành kiến xấu với làng Na-xa-rét, vùng Sa-ma-mi miền bắc Do Thái.  Họ chê người miền bắc là lai giống, không thuần chủng Do Thái, không có văn hóa trí tuệ, không có giọng nói chuẩn nhưng nói giọng nhà quê Ga-li-lê, và không thờ Đức Chúa Trời đúng đắn.  Do đó, câu phê bình của Na-tha-na-ên hàm nghĩa kỳ thị sắc tộc.

Không những Na-tha-na-ên có đầu óc kỳ thị sắc tộc, ông còn có đầu óc cách mạng bạo lực khi thốt lên, “Thầy là vua của Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 1:49).  Đây là câu mang ý nghĩa các sứ đồ  cùng hỏi Chúa Giêsu sau phục sinh, “Lạy Chúa, có phải đây là lúc Chúa khôi phục vương quốc cho Y-sơ-ra-ên không?” (Công Vụ 1:6).  

Bạn và tôi lắm khi cũng là Na-tha-na-ên.  Chúng ta kỳ thị bắc, trung, nam; kỳ thị giọng Quãng, giọng Trung, giọng "lửa lam, lửa lữ."  Chúng ta kỳ thị người tỉnh thành, người dân quê; thậm chí người có thân nhân Việt kiều Mỹ hoặc Việt kiều Nga.  Không những thế, chúng ta lại còn tin vào sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế để thay đổi lòng người.  Chúng ta tìm vinh hoa trần thế hơn là vinh hiển của Chúa Trời.

Nhưng Đức Chúa Trời luôn chọn “những điều dại dột trong thế gian để làm hổ thẹn những người khôn” và “những gì hèn hạ, bị khinh bỉ trong thế gian . . . để bày tỏ những điều trọng đại.” (1 Cô-rinh-tô 1:27, 28).  Và điều trọng đại nhất lịch sử là đấng Cứu Thế đã nhập thế tại làng nhỏ bé Na-xa-rét như đã được tiên báo trước. (Ma-thi-ơ 2:23). 

Tóm lại, trước khi có biến cố Thánh Linh giáng lâm ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ của Chúa Giêsu chỉ là những người đầy thành kiến, kỳ thị, và luôn mơ ước phục quốc bằng bạo lực.  

Nhưng đó không phải là điều Chúa Giêsu muốn nơi môn đồ Ngài.  Ngài muốn họ bắt chước Ngài là đấng Yêu Thương không kỳ thị, và là Vua của muôn vua chứ không chỉ là vua của quốc gia Y-sơ-ra-ên.  Ngài muốn tâm trí họ đặt vào các sự ở trên trời nơi thiên quốc, chứ không vào các việc trần gian nơi hạ giới.  Vì mọi quyền bính trên trời dưới đất đã ở trong tay của Chúa Giêsu chúng ta.  Ngài sẽ trở lại không phải để thế gian phán xét Ngài nhưng Ngài sẽ phán xét thế gian.

Nguyện xin Chúa Thánh Linh đổi mới tâm trí của bạn và tôi giống như tâm trí đấng Christ.

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Sỉ Nhục Lớn



Sỉ Nhục Lớn

By Thang Chu                                                                               April 30, 2014



 Theo tôi sỉ nhục lớn nhất cho Cơ-đốc-nhân là không dám giống đấng Cơ-đốc.  


Hầu hết các Cơ-đốc-nhân đều xác định rằng mình sẽ không bao giờ giống đấng Cơ-đốc điểm 9/10, thậm chí điểm 5/10 cũng không dám.

Nhưng không dám giống Chúa Giêsu là sỉ nhục lớn cho người theo Chúa Giêsu.

Trước hết, đó là sỉ nhục lớn cho đấng Cơ-đốc Giêsu.  Chính miệng Chúa Giêsu phán, “Ta ban cho các con điều răn mới, đó là các con phải yêu thương nhau.  Như Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy.” (Giăng 13:34-35).  “Như Ta đã yêu các con thể nào, các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy.”   

Như vậy, Cơ-đốc-nhân nào nói rằng mình không thể giống, thậm chí không dám giống đấng Cơ-đốc Giêsu, chẳng khác gì nói Chúa Giêsu nói “láo.”  Chúa nói “láo” vì ra lệnh làm điều không thể làm được là Cơ-đốc-nhân phải yêu anh chị em cùng họ Cơ như chính Chúa yêu họ.  

Nhưng Chúa Giêsu không hề nói láo.  Ngài biết môn đồ Ngài sẽ làm được nên mới ra lịnh đó.  Để họ làm được, Chúa Giêsu dùng “thần năng Ngài, ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và tin kính . . . mà được dự phần vào bản tánh của Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:3, 4).  

Quả thật, với thần năng siêu việt đó tác động trong lòng Cơ-đốc-nhân, con người hung bạo Phao-lô sau khi tin Chúa đã dám tuyên bố, “Hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước đấng Cơ-đốc” (1 Côr 11:1). 

Kinh Thánh chỉ rõ tám bước cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu trong 2 Phi-e-rơ 1:5-7 như họa đồ sau: 


                                                                                                                                          A-ga-pê
                                                                                                                        Phi-lê-ô
                                                                                                     Kiên Trì
                                                                           Tiết Chế
                                                  Hiểu Biết
                 Việc Lành
Đức Tin                                    



        


Có lẽ cuộc đời theo Chúa Giêsu của chúng ta thăng giáng giữa bước 1 và 8, nhưng với quyền năng phục sinh, chúng ta sẽ giống Chúa 99%.  Một phần trăm còn lại để dành ngày Chúa đến khi chúng ta gặp Ngài mặt đối mặt: “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài” (1 Giăng 3:2).