Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Câu Nguyện Là Gì? (Phần 3)

Cầu nguyện là thở dài, rên siết -sigh, groan.

Thường Chúa Giêsu chữa lành qua lời phán, lời cầu nguyện.  Nhưng có lần Chúa chữa một người điếc và ngọng qua tiếng thở dài, “Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và bảo người: ‘Ép-pha-ta!’ Nghĩa là, ‘Hãy mở ra!’  Tức thì tai anh mở ra, lưỡi được thong thả và anh nói rõ ràng” (Mác 7:34).                                                            

Tiếng thở dài của Ngài là lời phán linh nghiệm, là lời than thở thân mật với Cha Trời.  Thế nên, tiếng thở dài của chúng ta là lời cầu nguyện, than thở rất linh nghiệm được Chúa nghe, thấu hiểu, và trả lời.

Chúa dùng động từ στενάζω (ste-na-zô) trong tiếng Hy-lạp - thở dài, rên siết- để thi thố quyền năng chữa lành vô hạn.  Động từ này xảy ra sáu lần trong Tân Ước:

στενάζω
 Kinh Thánh (Arms of Hope 2002)
Mác 7:34
Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và bảo người: ‘Ép-pha-ta!’ Nghĩa là, ‘Hãy mở ra!’  Tức thì tai anh mở ra, lưỡi được thong thả và anh nói rõ ràng.”
Rôma 8:23
Không phải chỉ có vạn vật thôi mà cả chúng ta, những kẻ có quả đầu mùa của Thánh Lnh, cũng rên siết, trong lòng tha thiết trông chờ sự làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể chúng ta.
2Côr. 5:2
Thật vậy, chúng ta than thở trong trại tạm trú này, mong ước mặc lấy nhà trên trời.
2Côr. 5:4
Còn sống trong trại tạm trú bao lâu, chúng ta còn than thở não nề, không phải vì chúng ta muốn lột bỏ nó nhưng muốn mặc thêm vào để cái chết bị sự sống nuốt đi.
Hêb. 13:17
Anh chị em hãy vâng lời và phục tùng những người hướng dẫn mình vì họ chăm sóc linh hồn anh chị em như phải khai trình với Chúa, để họ hân hoan thi hành nhiệm vụ, khỏi phải thở than, vì nếu có thì cũng chẳng ích lợi chi cho anh chị em.
Gia-cơ 5:9
Thưa anh chị em, đừng phàn nàn trách móc nhau để anh chị em khỏi bị xét đoán.  Kìa, Đấng thẩm phán đang đứng trước cửa.


Vậy, có thể dịch Mác đoạn bảy là:

·        Ngài ngước mắt lên trời, thở dài . . .

·        Ngài ngước mắt lên trời, rên siết . . .

·        Ngài ngước mắt lên trời, than thở . . .

·        Ngài ngước mắt lên trời, than thở não nề . . .

·        Ngài ngước mắt lên trời, phàn nàn . . .

Thế nên, trong cầu nguyện, chúng ta có quyền, đặc quyền, quyền linh nghiệm, để dâng lời cầu nguyện ste-na-zô, thở dài, rên siết, than thở, thở than não nề, phàn nàn với Chúa chúng ta.

Có nhiều hữu dụng lắm bạn ạ.

Về tâm lý học, bạn chữa bịnh trầm cảm cho chính bạn.

Về thần học, bạn chữa bịnh tâm linh.  Bạn sẽ được phục hồi và nhận lấy quyền năng chiến thắng linh than thân trách phận và linh than phiền người khác.  Vì khi bạn than thở với Chúa, những lời đó sẽ được Chúa trả lời.  Nghĩa là sao?  Trước khi than thân trách phận, hãy than vãn với Chúa.  Trước khi phàn nàn trách móc người khác, hãy phàn nàn với Chúa.  Thường chúng ta làm điều này theo thứ tự ngược.  Thứ tự ngược sẽ tác dụng ngược; nghĩa là, thay vì bạn chữa lành người bịnh, bạn lại gánh bịnh.

Cựu Ước bản LXX có hai mươi lời cầu nguyện ste-na-zô này, “Lòng con chẳng từng sầu não với người nghèo khổ sao?” (Gióp 30:25).  “Xin Chúa nghe con rên siết, Không ai an ủi con” (Ai-ca 1:21a).

Đây thật là lời cầu nguyện phước hạnh. 

Phước hạnh vì nó không giả hình, không khoe khoang, không lòe loẹt, không phô trương , không show-off.

Phước hạnh vì nó xuất phát từ con tim tan vỡ, từ tấm lòng đau thương, từ tâm hồn cay đắng, từ ăn năn thống hối, từ lòng thương xót cho mình và cho người.  Nó là tiếng rên siết của con cái Chúa, tiếng kêu thống thiết không nên lời của linh hồn quặn thắt trước nỗi đau cá nhân và nhân loại.  Vì thế, nó đầy quyền năng chữa lành như lời Chúa hứa, “Phước cho kẻ hay than khóc, vì sẽ được yên ủi.” 

Ôi! ước gì bạn và tôi, chúng ta, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi đêm cầu nguyện thống thiết ste-na-zô cho nhau, cho hội thánh, và cho nhân loại, thì bịnh tình của mình và của dân tộc đã được chữa lành nhiều, nhiều lắm rồi.


By Thang Chu
January 2, 2012