Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Lòng Thương Xót Đầy Quyền Năng

Từ ngữ thương xót, compassion nguyên gốc từ tiếng latin com (cảm thông, xúc động) và pass (gánh lấy, chịu khổ, bear, suffer).  Danh từ patient (bệnh nhân) ra từ động từ pass.  Vậy compassion, thương xót, nghĩa là xúc động, đồng cảm, với khao khát dấn thân vào chịu khổ với đối tượng được thương xót. 

 
Đức Giêsu thấy đoàn dân đông, Ngài động lòng thương xót, chính Ngài dấn thân và bảo các môn đồ hành động qua cầu nguyện (Mathiơ 9:36), hành động qua việc cho ăn (14:14-16; 15:32), hành động qua việc chữa lành (20:34).

Compassion không thể tách rời com và pass.  Thương xót không thể tách rời thương và xót.  Xúc động và hành động phải đi đôi vì nửa này sẽ không làm nên nửa kia. 

Khi các môn đồ định giải tán đám đông, khoảng mười lăm ngàn người tính luôn phụ nữ và trẻ em, họ phơi ra phân nửa của họ, nửa com mà không pass, nửa xúc động mà không hành động.  Họ không dám dấn thân.  Cách tốt nhất, hợp tình hợp lý nhất của họ là giải tán đoàn dân khổng lồ đó, để mặc những con người khốn khổ tan biến giữa đêm khuya sa mạc, với tiếng khóc của trẻ thơ vì đói, tiếng kêu la của các bà vì sợ, tiếng cãi cọ của các ông vì bất lực.  Vì theo các môn đồ, với tài nguyên và sức lực của họ, chỉ có năm cái bánh và hai con cá, đủ phần ăn một người.

Nhưng Chúa Giêsu không thấy sự bất lực của các môn đồ là do thiếu tài nguyên, mà là thiếu compassion, thiếu thương xót.  Chúa biết họ làm được nên bảo “chính các con hãy cho họ ăn” (Mathiơ14).  Nếu họ không làm được thì Chúa đã không bảo vậy!  Lời phán của Chúa cho thấy các môn đồ thừa sức làm việc lớn đó. 

Nhưng họ không làm được là do  thiếu thương xót.  Ngài thấy lòng họ.  Phản ứng và phương án giải quyết nan đề của họ rất nhanh, rất dễ, vì thế rất tàn nhẫn: “Xin thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mua thức ăn.”  Sao họ lại không bàng hoàng hỏi Chúa, “Thầy ơi, chúng con không nỡ để đoàn dân đông đói khát vượt sa mạc để kiếm ăn, nhưng chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá.  Xin thầy giúp chúng con.”  Họ vừa mới chứng kiến phép lạ Thầy chữa bịnh rồi mà (c. 14)!  Không phải họ thiếu đức tin, chỉ thiếu thương xót.  Họ chỉ nghĩ về quyền năng chữa bịnh, đuổi quỷ,  mà không thấy một linh hồn quý hơn cả thế gian.

Và Chúa chứng minh cho họ thấy lòng thương xót là quyền năng.

Lòng thương xót khiến chúng ta hành động, và Đức Chúa Trời, là Đấng hay thương xót đồng hành với chúng ta.  Chúa Giêsu bước ra khỏi thuyền thấy đoàn dân đông, Ngài liền động lòng thương xót, Ngài chữa lành bịnh tật, Ngài tạ ơn Cha về một phần ăn nhỏ, rồi nuôi ăn no nê cho mười lăm ngàn người còn dư mười hai giỏ đầy (Mathiơ 14:14-21).  Thật là phép lạ lớn!  Trước hết Chúa động lòng thương xót, rồi một chuỗi những hành động quyền năng xảy ra sau đó.  Thương xót phải đi trước hành động.  Thương xót mà không hành động thì chỉ là xúc động thụ động, nếu không nói là giả dối.  Hành động mà không thương xót sẽ dẫn đến tai họa vô lường.  Thương xót và hành động phải như hình và bóng.  Vì thế, thương mà không xót, com mà không pass, là phạm tội.  Tội thấy việc lành mà không làm (Gia-cơ 4:17).
Nếu chúng ta ăn năn tội này, tội “thương mà không xót, thấy việc lành mà không làm,” phép lạ sẽ xảy ra.  Phép lạ lớn, để thay đổi không phải mười lăm ngàn người trong một đêm khỏi đói, nhưng cả cộng đồng, cả quốc gia.  Chúa của chúng ta, Đấng hay thương xót, đã chứng minh vậy.

Phải chăng hội thánh thiếu quyền năng vì không thương xót?  Nên chưa thay đổi được cộng đồng Việt Little Saigon sau ba mươi sáu năm lưu lạc viễn xứ?

Chúng tôi thử điều này  mỗi chiều Sunday thờ phượng Chúa Trời với một số người Việt homeless từ tháng Ba 2011 đến nay.  Một người đã bỏ cờ bạc.  Một người đã bớt chửi bới.   Một cụm mây đen nhỏ báo hiệu một cơn mưa lớn. 


December 1, 2011
















Không có nhận xét nào: