Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Phục Hưng cho Việt Nam

Bạn và tôi đều khao khát Đức Chúa Trời thương xót đổ cơn phục hưng xuống dân tộc Việt Nam trong lẫn ngoài nước, vì cho đến nay chỉ có 8% dân tộc ta tin Chúa Giêsu Cứu Thế.  Còn 92% còn lại thì đang chờ bạn “giải cứu những người bị đem vào chỗ chết; Hãy giữ lại những kẻ lảo đảo đi đến nơi hành hình.  Nếu con nói: ‘Kìa chúng tôi không biết điều này.’ Thế thì Đấng cân nhắc lòng người không thấy sao?  Đấng canh giữ linh hồn con không biết sao?  Ngài sẽ báo trả cho loài người tuỳ việc họ làm” (Châm. 24:11, 12).

Nhưng những nỗ lực 400 năm qua kết quả chưa nhiều.  Đừng nản!  Điều gì loài người không làm được, Đức Chúa Trời làm được.

Tôi xin điểm qua bốn cuộc phục hưng thế kỉ 20 đem lại hàng trăm ngàn chiên lạc trở về ngay tại quê hương ta, dựa vào tài liệu Vietnam’s Christians của tác giả Reg Reimer (2011, tr. 33, 50, 77) cũng như kinh nghiệm chính bản thân tôi.

Cuộc phục hưng thứ nhất.  Năm 1936 bốn học sinh trường Kinh Thánh Đà Nẵng bắt đầu cầu nguyện khẩn thiết cho phục hưng.  Cuộc cầu nguyện lan đến toàn bộ phận sinh viên và liên tục trong hai năm.  Rồi, như để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh và những thử thách lởn vởn sắp đến, Đức Chúa Trời thăm viếng các hội thánh Việt Nam với cuộc phục hưng lớn năm 1938. Công cụ Ngài dùng là mục sư Tống Thượng Tiết (John Sung), tại Vĩnh Long, Sài Gòn, và Đà Nẵng.  Kết quả là sự tuôn đổ quyền năng của Đức Chúa Trời để thanh tẩy và tân tạo dân sự Ngài.  Các lãnh đạo và nhân sự cùng kinh nghiệm sự cáo trách sâu đậm về tội lỗi.  Nhiều người được phục hồi và nhiều mối liên hệ được chữa lành.  Quyền năng bài giảng của mục sư Thượng Tiết cũng thiêu huỷ niềm tin cúng bái hồn ma bóng quế ra khỏi đời sống tín đồ.  Các giáo sĩ tường thuật họ chưa bao giờ thấy quyền năng Thánh Linh như thế.  Sau đó, các Cơ-đốc-nhân Việt Nam được tân tạo lòng sốt sắng truyền giảng cực kỳ.

Trong nhiều năm, cả mục sư lẫn nhân sự Cơ-đốc nhớ lại những thông điệp Kinh Thánh hừng lửa và linh quyền của tiến sĩ Thượng Tiết như là điểm ngoặc đời họ.

Cuộc phục hưng thứ hai.  Qua lời kể của giáo sĩ Orrel Steinkamp, năm 1971 Đức Chúa Trời thăm viếng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (ECVN-S), đặc biệt các hội thánh sắc tộc Montagnard (tập trung vùng Pleiku).  Nhiều giáo sĩ cảm nhận mạnh mẽ nhu cầu phục hưng  và khao khát linh quyền hơn nữa.  Họ cầu nguyện kiên trì như thế và  rồi kinh nghiệm sự thăm viếng đặc biệt của Chúa Thánh Linh tháng Năm, 1971, trong buổi hội nghị thường niên, dưới mục vụ của mục sư diễn giả William Allen từ Mansfield, Ohio. 

Giáo sĩ Steinkamp trở lại dạy học tại Viện Thần Học Nha Trang và cảm nhận được Đức Chúa Trời hướng dẫn phải thêm sự cầu nguyện vào mục vụ chữa bịnh và đuổi quỷ.  Ông diễn tả lớp học môn Lịch Sử Phục Hưng tại Phòng 5 tháng12/3/1971.  Giáo viên một lớp học khác huỷ buổi học ngày đó nên các học sinh đều đến Phòng 5 để nghe cuộc phục hưng Indonesia những năm 1960.  Nghĩa là phân nửa số 117 học sinh của trường đều tập trung tại Phòng 5. 

Khi giáo sĩ vừa tường trình xong, ông yêu cầu các sinh viên cầu nguyện cho phục hưng Việt Nam, khởi phát từ ngay trường Kinh Thánh này.  Sau khoảng mười phút cầu nguyện yên lặng bình thường, một sinh viên bắt đầu cầu nguyện và khóc rồi xưng những tội chi tiết.  Rồi cả phòng nổ bùng trong sự cầu nguyện cùng lúc tự phát.  Lời đồn lan nhanh, chẳng bao lâu hầu như hết thảy sinh viên đều gia nhập Phòng 5.  Cả những giáo sĩ ngoại quốc và giáo sư Việt Nam chẳng bao lâu sau cũng phừng lửa trong cuộc phục hưng này, đặc biệt ảnh hưởng lên năm sinh viên Montagnard, sắc tộc Kờ-ho, và qua họ lan tràn đến những vùng Cao Nguyên Trung Phần (Central Highlands).  Một giáo sĩ chứng kiến sự kiện đó phát biểu: “Vùng Cao Nguyên hừng lửa!”  Nhất là qua sự cầu nguyện của mục sự Y Tang khiến người chết sống lại, bà Y Djhang người Ê-đê, lửa phục hưng lan tràn các vùng cao nguyên.

Giáo sĩ Steinkamp tóm tắt cuộc phục hưng đó như sau:

Nghi ngờ biến thành mong đợi, kiêu ngạo thành khiêm nhường, tội lỗi được xưng nhận.  Đâu có chỉ trích, nghi ngờ và thoái lui, phục hưng bị dập tắt hoặc chẳng xảy ra.  Những đặc tính chính của phục hưng là cầu nguyện, xưng tội công khai, sự đổ đầy Thánh Linh, vui mừng vô cùng, đức tin can đảm, nhiều phép lạ, và làm chứng dạn dĩ.  Sự trưởng thành của cuộc phục hưng đó được thấy qua việc người ta không đòi hỏi các phép lạ.  Chúng xảy ra chỉ vì người ta ngay thẳng với Đức Chúa Trời và Chúa chọn lựa ban cho những phép lạ như thế.  Tuy nhiên sự chữa lành được tìm kiếm và được bảo đảm qua đức tin.  

Để biết thêm cuộc phục hưng này, xin xem: http://www.hoithanh.com/Home/100-nam-tin-lanh-vn/1576-con-phan-hung-tai-than-hoc-vien-nha-trang-1971.html

Cuộc phục hưng thứ ba.  Hội thánh Trần Cao Vân tại trung tâm Sài-gòn thình linh từng trải phục hưng năm 1978 và chấm dứt năm 1983, có thể nói, vì việc bắt tù mục sư Hồ Hiếu Hạ.

Mục sư Hạ nói khi được chỉ định chăn bầy tại hội thánh Trần Cao Vân năm 1975, ông rất sợ.  Ông cầu nguyện khẩn thiết cho phục hưng và cho được can đảm.  Ông cũng kêu gọi những người khác cầu nguyện thường mỗi sáng sớm.  Trong một buổi cầu nguyện, ông kinh nghiệm một sự giải thoát thình lình huyền nhiệm khỏi sợ hãi.  Những giờ cầu nguyện khẩn thiết  gia tăng và thu hút càng nhiều người.  Mục sư Hạ, giờ đây được mặc lấy can đảm thiên thượng, bắt đầu giảng những sứ điệp tin lành mạnh mẽ và rõ ràng.  Từ 1978-1983 hội thánh tường thuật trung bình một ngàn tân tín hữu mỗi năm, nhiều người trong đó được báp-têm.

Tháng 12 năm 1983, không thể chịu nổi đức tin sống động của Cơ-đốc-nhân, chính quyền đã bắt mục sư Hạ, đóng cửa nhà thờ, và tịch thu tài sản.  Họ cũng bắt mục sư Nguyễn Hữu Cương và Lê Thiện Dũng là những người cũng cùng thành công  trong mục vụ cho giới sinh viên tại nhà thờ An Đông bên kia phố.  Cả ba ông phải trải qua sáu năm tù trước khi được tổng thống Bush (Cha) can thiệp cho qua Mỹ tháng Một năm 1990.

Vợ mục sư Hạ tiếp tục mục vụ đặc biệt “những lá thư từ ban-công” qua đó bà ca ngợi Đức Chúa Trời vì những ơn phước và quyền năng gìn giữ của Ngài.  Nhờ đó, bà đã đem nhiều phước hạnh và khích lệ cho nhiều người.  Chẳng lạ gì, kết quả của việc đóng cửa hai nhà thờ đó đã quét hơi nóng tâm linh của họ đến nhiều nơi khác.

Trong thời  gian này một số lãnh đạo Cơ-đốc được phấn kích bí mật in sơ sài Kinh Thánh, thánh ca, và các tài liệu Cơ-đốc khác.  Một số mục sư và nhân sự được tân tạo tình nguyện đi từ nơi này đến nơi kia, bất cứ nơi đâu yêu cầu, để giảng, dạy, và huấn luyện.  Cơ-đốc-nhân bắt đầu thờ phượng trong nhóm nhỏ tư gia, mỗi người dùng ân tứ Chúa ban cho họ --báo hiệu phong trào hội thánh tư gia sắp đến.

Cuộc phục hưng thứ tư.  Năm 1975 đài phát thanh Nguồn Sống bắt đầu mục vụ Tin Lành bằng nhiều thứ tiếng.  Mãi đến 1987 đài nhận được thư cám ơn từ Việt Nam do những người sắc tộc Hmông tin Chúa qua đài.  Đặc biệt năm 1989, đài nhận được hàng trăm ngàn lá thư. Thật bất thường với 350 ngàn người Hmông tin Chúa chỉ qua nghe radio!  Đa số họ sống vùng Tây Bắc Việt Nam.

Kinh nghiệm cá nhân về phục hưng.  Một điều lạ nữa, cùng năm 1989 cuộc phục hưng vùng Tây Bắc, cũng xảy ra tại vùng Pleiku, miền trung Việt Nam, mà mãi năm 2000 tôi mới biết, khi tiếp xúc với mục sư Ma-Mi.  

Ma-Mi kể rằng lúc 16 tuổi, trong giấc ngủ đêm em mơ thấy ba lần cùng một ông già hiện đến nói rằng, “Ta là Chúa Giêsu sắp tái lâm.”  Cậu bé hoảng sợ chạy ra đường thì nhằm đêm nguyệt thực toàn phần.  Đối với người Gia-rai, nguyệt thực là con cá nuốt mặt trăng, là sự sống của họ, vì họ nhờ ánh trăng mà bắt cua bắt cá đêm để sống.  Nên họ dùng bất cứ vật gì có thể khua lớn để xui đuổi tử thần cá nuốt trăng: nồi, niêu, xong, chảo, . . . Ma-Mi càng hoảng sợ chạy vô nhà, chạy vòng vòng bên trong, đến nỗi người anh hỏi Ma-mi làm gì vậy.  Cho đến khi mệt rủ Ma-Mi ngủ gục.  

Mờ sáng, Ma-Mi thức dậy và cắm cổ chạy bộ băng rừng vượt suối đến khi ngất xỉu trước ngôi nhà lạ.  Chủ nhà tuổi trung niên giúp Ma-Mi ăn uống hồi sức và biết được chuyện Ma-Mi.  Anh tiết lộ mình là tín đồ Tin Lành nhưng không dám nói ai biết vì sợ chính quyền.  Rồi anh dạy Ma-Mi biết Chúa Giêsu là ai.  Cậu bé vui mừng đem Tin Lành Chúa Giêsu trở về làng và từ đó Tin Lành quét rộng vùng Pleiku, gần 140 ngàn người tin Chúa trong tổng số 150 ngàn người Gia-rai. 

Lập tức Ma-Mi bị bắt, bị bỏ tù nhiều lần, và trải qua rất nhiều thống khổ.  Xin kể chỉ một chuyện ở đây.  Ngày kia bảy người lớn vây quanh chàng thiếu niên Ma-Mi và đánh đập em tàn nhẫn, dùng cả báng súng.  Ma-Mi nhắm mắt chịu trận và chỉ biết cầu nguyện.  Lạ thay, sau một  lúc trận đòn thừa sống thiếu chết, em không cảm giác đau đớn gì; rồi đột nhiên cuộc tấn công ngưng lại, em ngước nhìn thì bảy người tra tấn em ngồi bệt đất thở hổn hển kiệt sức.  Trong vòng hai năm, tất cả bảy người đó đều chết bất đắt kì tử.  Một bị xe tải cán chết, một uống rược say ngã lầu chết, một tự tử.  Bốn người còn lại kia đều chết thảm khốc. 

Ma-Mi dùng căn nhà nhỏ của mình làm nơi thờ phượng đến hôm nay.
                                                                            Ma-Mi ngồi giữa tươi cười, ngay sau là vợ chồng tôi
Hình trên-Mẹ của Ma-Mi nhỏ bé khiêm nhường, vì hết chỗ nên ngồi ngoài.
                                                                   

Hình phải- Buổi nhóm bí mật 6 giờ sáng Chúa Nhật tại nhà tín đồ gần thị xã Pleiku, 2000. Nhà có một đường hầm dẫn ra sân ngoài phòng khi buổi thờ phượng Chúa bị theo dõi.
                                                  

Từ đó người sắc tộc Gia-rai, một nhánh thuộc sắc tộc Montagnard, đã bỏ được ba tệ nạn tàn phá đời họ từ khi năm tuổi: rượu, thuốc lá, và cúng thần Giàng.

Cũng trong chương trình cứu chuộc của Chúa, các hội thánh Sài-gòn cũng được dứt dấy mạnh mẽ.

Năm 1990-92, tôi là một trong sáu nhân sự ban chứng đạo hội thánh Tô Hiến Thành, lần đầu tiên được lập sau 1975.  Suốt mười lăm năm hội thánh hiếm khi có người tin Chúa, nếu không nói là không có ai, trong những buổi truyền giảng hàng tháng.  Đã vậy mỗi tối thứ Sáu bồi linh, chỉ chưa đầy mười người, hầu hết trong ban trị sự, như gia đình ông bà Chúng.  Thế nhưng, sau khi có ban chứng đạo, không buổi truyền giảng nào không có người tin Chúa! Và một số phép lạ xảy ra cho một số cá nhân.  Hơn một trăm người tin Chúa qua riêng tôi chỉ trong hai năm đó và nhiều tân tín hữu này đã trở nên rường cột các hội thánh, con cháu họ có người làm mục sư.  Tuổi tôi còn trẻ khi ấy, 27, và không hề được huấn luyện thần học.  Thật quyền năng Chúa đã chinh phục lòng người!

Trong buổi họp hàng tháng, mục-sư Phan Quang Thiệu hỏi tôi,

            - Bí quyết gì khiến anh làm chứng có kết quả?

            - Dạ, em không biết!

            - Sao không biết được!  Mình làm phải biết chứ!

Sau hồi suy nghĩ, tôi trả lời:

            - Tình yêu thương.



Kết luận.  Qua bốn cuộc phục hưng đã xảy ra cho dân tộc Việt thế kỉ 20, chúng ta thấy những điểm sau:

1.      Tác động: Hoàn toàn do Chúa chủ động.

2.      Phương cách: khác nhau.

3.      Hiện tượng: ăn năn, phép lạ, người tin Chúa nhiểu.

4.      Thời gian:  không quá năm năm.

5.      Không gian: phòng cầu nguyện, phòng ngủ.

6.      Tình trạng con người: mòn mỏi; khao khát đổi mới; đau khổ.

7.      Ảnh hưởng: lâu dài, thay đổi con người, hội thánh, xã hội.

Trong bảy điều trên, chúng ta không thể làm gì được cả ngoại trừ điều 6: khao khát được đổi mới; mòn mỏi thiếu vắng sự vui mừng bình an; đau khổ vì gánh nặng đời sống (như Ma-Mi).

Tôi tin rằng Chúa sẽ phục hưng hội thánh Ngài tại vùng Orange County này với 250 ngàn người Việt, hai mươi nhà thờ Tin Lành tính chung khoảng hai ngàn tín đồ, và 30 ngàn tín đồ Công Giáo. Còn 220 ngàn linh hồn lạc mất!

Riêng hội thánh Baptist chúng tôi nằm giữa thành phố Garden Grove đông người Việt nhất với số 60 ngàn người, mà hội thánh chỉ có 35 người sau hơn một năm tôi về đây. Chúng tôi nỗ lực huấn luyện môn đồ và cầu nguyện và chứng đạo dạn dĩ.  Mỗi thứ Bảy, từ 11:00-2:00pm, chúng tôi tay trái cầm bảng 2x4x10 feet ghi Lời Chúa và tay phải phát Lời Chúa tại ngã tư đường khu Phước Lộc Thọ.  Để khỏi nản lòng, Lời Chúa khích lệ chúng tôi là:

      Tôi quyết tâm đứng chầu nơi tháp canh, Giữ vững vị trí tại đồn gác, Chờ xem Ngài bảo tôi điều gì, Và tôi phải giải quyết thế nào về lời kêu than của tôi. CHÚA bảo tôi: "Con hãy viết xuống khải tượng, Ghi khắc rõ ràng trên bảng đá, Để người nào chạy ngang qua cũng đọc được. Vì còn phải chờ đúng thời điểm khải tượng mới ứng nghiệm, Nó hối hả chạy đến giai đoạn cuối, Nó sẽ thành hiện thực. Nếu nó dường như chậm trễ, con hãy trông chờ nó, Vì khải tượng chắc chắn sẽ thực hiện, không nấn ná, chần chờ.”  (Habacúc 2:1-3)

      Nguyện xin khải tượng phục hưng, dường như chậm trễ, sẽ sớm đến để Chúa sàng sẩy và thanh tẩy hội thánh vươn lên đỉnh cao mọi thời đại.  Và hội thánh một lần nữa, được Chúa dùng để cứu hàng triệu triệu dân Việt hải ngoại lẫn trong nước, lan sang Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, khắp vùng Đông Nam Á, đem Tin Lành trở lại Jerusalem sau cuộc truyền giáo từ Jerusalem, do Chúa Giêsu khởi xướng, tiếp tục về hướng tây vòng quanh địa cầu.

Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay, ngày mai, cho đến đời đời không hề thay đổi tình yêu Ngài đối với chúng ta.  

Maranatha!


December 13, 2011

Không có nhận xét nào: