Kính
thưa quý tôi tớ của Đức Chúa Trời và qúy ông bà anh chị em trong cùng một Cha!
Nhận thấy rằng chúng ta đang ở thời kỳ đầu
của sự cuối cùng. Lòng chúng tôi được nung nóng bởi sự thôi thúc của Đức Thánh
Linh, nên quyết tâm dành thì giờ để ghi chép lại ân điển của sự cứu chuộc, tình
yêu không hề thay đổi của Đức Chúa Trời qua Cứu Chúa Jê-sus. Ước mong của tôi
là được cùng quý tôi tớ của Chúa và con dân của Ngài có thêm một dịp nữa dâng lên Đức Chúa Trời những
lời ngợi ca và cảm tạ về sự nhơn lành của Ngài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy
vọng rằng những tấm lòng lạnh lẽo sẽ được hâm nóng lại; những vết thương và khổ
nạn của những người đang hầu việc Ngài sẽ được ràng rịt, băng bó bởi sự yêu
thương che chở trong bóng cánh toàn năng, mà cuộc đời theo Chúa của bản thân
chúng tôi là những bằng cớ rõ ràng.
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã dùng MS Chu Toàn
Thắng, cùng giúp sức với chúng tôi nhiệt tình post lên những bài làm chứng này
đến với quý vị và các bạn. Xin qúy vị và các bạn tự do thoải mái gửi đến cho
nhiều người, nhất là những người chưa biết Chúa có dịp đọc đến.
Pastor The Van Le
Sandiego, CA
Đức Chúa Trời ở Korea
1.
Bỏ lại phía sau
Tôi đến trường đại học Hanil vào
một ngày cuối tháng ba năm 2001. Trèo lên khỏi các bậc thềm của con đường giốc,
dẫn đến buồng điện thoại công cộng dọc theo hành lang trước Cafeteria. Tôi
ngừng lại một lát để thở, rồi vội vã bỏ vào một card điện thoại quốc tế để gọi
báo tin cho gia đình tôi báo cho họ biết rằng tôi đã đến nơi bình an.
Đây là Viện Thần Học nằm phía
tây nam của thủ đô Seoul, cách phi trường Incheon bốn giờ bằng xe buýt. Trước
đó bảy năm, tôi đã từng ước ao đến đây để học lời Chúa và bây giờ đã trở thành
hiện thực. Tôi đang đứng giữa sân trường trong khuôn viên đại học.
Buổi tối đến thật nhanh. Từ căn
phòng Mission Building, qua ô cửa nhỏ là khu nhà bằng gạch úa màu nham nhở hiện
lên trong ánh đèn néon yếu ớt, nhạt nhòa trong cái lạnh se sắc của những ngày
đầu xuân. Trước hết, tôi quì gối xuống bên cạnh chiếc giường hai tầng để cảm ơn
Chúa về một chuyến đi xa. Lòng tôi bỗng
dưng chùng xuống trong cái cảm gíac buồn vì đây là lần đầu tiên tôi đi xa nhà
nhất. Nghĩ đến Phượng, Hạnh, Uyên, Phước cổ tôi nghèn nghẹn và nước mắt ứa ra.
Hương vị ngọt ngào của mái ấm gia đình mà tôi vừa bỏ lại đằng sau để bước theo
tiếng gọi của Đức Chúa Trời.
2.
Chúa là bác sĩ
đại tài
Trong phòng, đèn yếu quá! Mắt
tôi phải mang kính từ những năm tuổi bốn mươi, vì vậy tôi cầu xin Chúa cho mắt
tôi được sáng ra để đọc sách. Đồng thời, tôi cũng xin Chúa cho tôi được chữa
lành gai cột sống cổ và lưng. Một tuần sau đó Chúa nhậm lời. Không dùng kính
tôi vẫn có thể đọc sách bình thường. Gai cổ và lưng bỗng dưng biến mất sau một
tuần tập thể dục buổi sáng.
Mỗi chiều thứ bảy, tôi cùng một
nhóm con cái Chúa người Đại Hàn chia nhau đi thăm viếng, chứng đạo nhằm giúp
anh chị em công nhân Việt nam và những sinh viên sang du học tại Đại Hàn.
Vào một đêm tối về khuya lắm,
bụng đói cồn cào, tôi hát thánh ca để quên bớt cơn đói. Tắm xong, xuống tầng
hầm để nấu cơm. Ngạc nhiên quá đỗi, nồi cơm ai đã nấu sẵn từ lúc nào. Hơi ấm
bốc lên, mỉm cười tạ ơn Chúa, tôi ngồi xuống ăn một cách ngon lành. Mãi đến thứ
hai tôi mới biết người bạn cùng phòng đã cảm động nấu nồi cơm ấy. Anh ấy tên là
Jun-lin-u, một mục sư trẻ tuổi đến từ Myamar. Điều làm cho tôi ngạc nhiên vì
anh ấy rất lười về việc nấu nướng, nhưng Chúa đã cảm động lòng anh. Đó là lần
đầu tiên mà anh vào bếp nấu cơm. Anh ấy nói với tôi bằng tiếng Anh:
- Tôi biết bạn sẽ về khuya, nên
giùp bạn chứ còn tôi thà nhịn đói còn hơn làm cái công việc nấu nướng!
- Vâng, cảm ơn người anh em, một
ngạc nhiên thú vị!
Thứ bảy tới, tôi cũng về phòng
trọ rất khuya. Lần này tôi mở tủ để lấy gạo, bất chợt một gói mì tôm ai đã nhét
sẵn vào cửa tủ. Tôi tạ ơn Chúa rồi đổ nước sôi vào ngồi xuống trong lòng thầm
tạ ơn Chúa. Rồi một thứ bảy tiếp theo,
bước vào phòng ăn liền nhìn thấy một đỉa cơm ngào ngạt mùi thơm với cá, thịt,
cà chua kèm theo một đỉa kim chi. Bây giờ tôi cất cao tiếng hát để tôn vinh
Chúa. Đang ăn, tôi bỗng nhớ đến cuốn sách “Dám Sống Bên Bờ Vực” với biết bao
nhiêu phép lạ mà tôi đã từng đọc khi còn ở Việt Nam. Lòng tôi tràn ngập niềm
vui không ngớt lời cảm tạ Chúa. Tôi cứ nghĩ chính là người anh em cùng phòng đã
làm đều đó, nhưng hoàn toàn không phải, anh ấy chỉ giúp tôi một lần đầu mà
thôi. Đến hôm nay tôi vẫn chưa biết đích xác ai là ân nhân của minh? Nhưng tôi
biết chắc một điều, Chúa là Đấng tiếp trợ mọi nhu cầu. Tôi đã cố nài nỉ hỏi
người bạn tôi để tôi nói lời biết ơn, nhưng anh ấy đã khẳng định là anh không
làm việc đó lần này. Nhưng cho dù ai đã
giúp tôi đi nữa, tôi cũng khẳng định một điều là Chúa biết rõ hoàn cảnh của tôi
nên Ngài đã sai tôi con của Ngài tiếp trợ.
“Chúa là sự tiếp trợ tôi và là Đấng giải cứu tôi.”
(Thi Thiên 40: 17b)
“Tôi ngước mắt lên trên núi:
“Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?
“Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, là Đấng dựng nên trời và đất”
(Thi Thiên 121: 1,2)
Thuở xưa, chính Đức Chúa Trời đã
từng ban thực phẩm ma-na, chim cuốc cho con dân của Chúa khi Ngài giải phóng họ
thoát khỏi kiếp nô lệ ở Ai cập để vào đất hứa Ca-na-an, thì ngày nay Chúa cung
ứng nhu cầu cho con cái Chúa không phải là chuyện quá đỗi ngạc nhiên đối với ai
đặt niềm tin trọn vẹn nơi Ngài.
3.
Thách thức
Trước khi về Mỹ để nghỉ hè, giáo
sư của tôi ông Adams, trưởng khoa sinh viên quốc tế giao cho tôi một công việc
ngoài sức của mình. Ông bảo tôi đọc xong một cái “list” gồm bốn chục cuốn sách
thần học dày có, mỏng có ở thư viện. Nếu không hoàn tất bản báo cáo về nội dung
của chừng ấy cuốn sách thì phải trở về Việt Nam và ông sẽ không bao giờ nhận
một sinh viên Việt Nam nào nữa. Tôi biết
rằng mình không thể nào thực hiện được sự đòi hỏi quá sức đó, cho nên ý nghĩ
trở về Việt Nam mỗi ngày một thôi thúc. Tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Những bữa
cơm sinh viên suốt ngày với kim chi chán ngắt, cộng thêm nỗi nhớ nhà và một
đống từ thần học ngổn ngang trong những cuốn sách dày cộm viết bằng tiếng
Anh. Tôi cảm thấy đây là cơ hội tốt nhất
để cho tôi có một quyết định dứt khoát là trở về nhà.
Thế rồi tôi lại qùy gối xuống để
trình dâng cho Chúa những điều đó và xin Ngài tha thứ cho những suy nghĩ tiêu
cực yếu đuối của mình. Tôi xin Chúa cho
tôi một dấu hiệu rõ ràng để biết được ý muốn của Ngài ra sao?
Tối thứ năm tôi cầu nguyện, sáng
thứ sáu mục sư Choi lù lù xuất hiện trong chiếc xe hơi màu trắng. Tối thứ sáu tôi cầu nguyện, sáng thứ bảy ông
lại xuất hiện. Tối Chúa nhật tôi cầu nguyện, sáng thứ hai ông đến gõ cửa thật
sớm và nói những câu tương tự:
- Teacher “Té”, buồn phải không? Chắc là ông
muốn trở về Việt Nam chứ gì?
- Sao Mục sư biết? Tôi mỉm cười mời ông vào
phòng.
- Chúa cảm động lòng tôi khiến cho tôi nói
“tiên tri” mà, nên đến đây rủ ông đi cầu nguyện với tôi.
Lần nào cũng vậy, ông đến mời
tôi đi ăn sáng rồi lên núi cầu nguyện với nhau.
Tôi tin chắc đúng như lời ông nói, Chúa đã cho ông biết điều này nên sai
ông đến để an ủi. Còn tôi, biết rõ đây là dấu hiệu Chúa đáp lời cầu nguyện của
tôi nên Ngài đã thúc giục ông làm điều này. Mở kinh thánh ra, tôi đọc được
trong sách công vụ của sứ đồ Phao Lô:
“Phao Lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê, người tiếp rước mọi
người đến thăm mình.”
(Công vụ 28:30)
Tôi qùy ngay xuống, thưa vơi Chúa Jê-sus rằng: “Dạ vâng, lạy Chúa, con
không dám cãi lời Ngài nữa.” Quả đúng như vậy, căn nhà trọ tôi đang ở, ân nhân
đã trả tiền hai năm rồi. Nhưng tôi không phải là Phao Lô, tôi chỉ là một sinh
viên lớn tuổi, tầm thường, yếu đuối tình cảm, nhưng khát khao được học lời
Chúa; nên đã từ bỏ tất cả những ham mê của đời, quyết tâm bước theo tiếng gọi
của Đức Chúa Trời.
4.
Đức tin bạn ở
đâu?
Giải quyết nan đề đọc bốn mươi
cuốn sách, tôi nhờ một giáo sư người Đức hướng dẫn cách đọc những phần trọng
tâm, sau đó tóm tắt nội dung chính và đã làm vừa lòng giáo sư tôi khi ông từ Mỹ
trở lại. Đầu tháng chín, Chúa đã giúp tôi hoàn tất một việc mà tưởng chừng với
sức người không thể nào vượt qua. Tôi đến ngân hàng quyết định gửi số tiền còn
lại trong túi cho gia đình để dứt khoát cái ý định trở về Việt Nam.
“Tôi làm được mọi sự là nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”
(Philíp 4:13)
Và rồi, những tháng ngày còn lại
trên xứ Hàn lạnh lẽo, những đêm nghe tiếng róc rách của con khe lúc trời mưa
lớn, hay tiếng chim lạc bầy thảm thiết lòng tôi cũng khó mà chịu nổi. Tôi qùy
xuống bên giường trọ, để thở than cùng Chúa kêu xin Ngài lấp kín những khoảng
trống vắng trong lòng. Ngài đã cho tôi
sự bình an và cho tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm. Bây giờ tôi mới từng trải thêm
những kinh nghiệm ngọt ngào khi con cái của Ngài sống trong hoàn cảnh neo đơn.
Có Chúa, tôi được bình an cho dù sống trong những lúc mà đối với sức con người
tưởng chừng mình khó có thể vượt qua được!
Để vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, tôi
thường dùng những đồng tiền có được từ học bổng của Viện cho thêm, để mua card
điện thoại quốc tế gọi về nhà thường xuyên.
Từ chỗ trọ đi bộ đến buồng điện thoại mất nửa tiếng, vì nơi gọi cạnh văn
phòng đường dây đã bị cắt mất. Một hôm, mấy anh em cùng lớp chúng tôi kéo nhau
đi gọi điện thoại thăm gia đình cùng lúc. Mục sư Thomas người Ấn Độ, trước khi
gọi anh ấy giơ cao thẻ điện thoại lên trời rồi cầu nguyện bằng tiếng Anh: “Lạy
Chúa! Card của con chỉ còn mấy phút, xin Ngài cho con được nói chuyện với vợ
con của con một giờ.” Thế rồi anh ấy bỏ card vào máy tha hồ gọi cho đến khi
không còn chuyện gì để nói nữa. Chúng
tôi ngạc nhiên quá đỗi, vây quanh Mục sư Thomas hỏi cho ra lẽ:
Có phải anh chêm máy điện thoại
hay làm một “trò ảo thuật” nào chăng?
Mục sư Thomas mỉm cười hỏi lại:
Này, đức tin của các cậu ở đâu ?
Các cậu có biết rằng Chúa của chúng ta có quyền trên máy móc không? Thomas này đã từng trải việc cầu nguyện xin
Chúa cho thêm thì giờ để gọi như vậy nhiều lần lắm khi còn du học ở Nhật.
Thật lạ lùng và thú vị! Tôi
nhanh nhẹn lấy card trong túi quần của mình ra và bắt chước Thomas, cầu nguyện:
“Chúa ôi! Card của con cũng còn có mấy phút, xin Ngài cho con nói chuyện với
nhà con một giờ.” Là một thách thức đức tin của chính mình, tôi gọi chỉ có một
phút thì bị cắt ngang. Mục sư Thomas
bỗng vỗ tay cười vang:
Cậu biết tại sao không? Tôi lắc
đầu. Mục sư Thomas nói từng tiếng:
-
Bởi vì Đức Chúa
Trời biết rõ cậu còn tiền trong túi. Còn chàng Mục sư Thomas đáng thương này
chỉ còn cái túi rỗng!
Chứng kiến lần đầu về phép lạ
này, chúng tôi thật ngỡ ngàng, nhưng trong lòng vẫn tin chắc rằng Đức Chúa Trời
có quyền tể trị trên mọi sự.
“Trong khi cầu nguyện, các ngươi hãy lấy đức
tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả.”
(Mathiơ 21: 22)
5.
Bác thợ giày
Sang Korea, tôi chỉ mang theo một đôi giày
“bốn mùa mưa gió.”Cái mỏm phía trước mũi giày đã rách toét để lộ những ngón
chân ra ngoài. Giữa thành phố Chonju xa lạ làm sao có thể tìm ra một người thợ
sửa giày? Không thể lê lếch thêm được nữa, tôi quyết định tìm chỗ để sửa nó.
Bên hè phố, tôi nhắm mắt lại thưa với Chúa: “Chúa ôi! Chỉ cho con một bác thợ
giày con cần sửa lại chiếc giày vì không thể mang được nữa.” Tôi mở mắt ra,
chậm rãi qua bên kia đường. Bỗng tôi nhìn thấy một bác thợ giày ngồi trong cái
thùng container đang cúi xuống làm việc.
Tôi vui mừng quá vì biết rằng Cha của tôi là Đức Chúa Trời biết tôi cần
gì. Thế là đôi giày của tôi trở nên thoải mái và có thể tự tin kéo lê thêm một
thời gian nữa. Điều lạ lùng mà tôi không thể nào hiểu nổi là khi tôi giới thiệu
cho những người bạn đồng cảnh ngộ trở lại vào những tuần sau, thì bác thợ giày
kia đã biến mất. Cái thùng container cũng đã không còn nữa. Câu chuyện có vẻ
huyền thoại, nhưng là một sự thật mà tôi là người trong cuộc.
“Hỡi
Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi
“Chúa
biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy;
“Từ
xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi
“Chúa
xét-nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi,
“Quen
biết các đường lối tôi
“Vì
lời chưa ở trên lưỡi tôi
“Kìa,
hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi.”
(Thi Thiên 139: 1-4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét