Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Đức Chúa Trời ở Korea (tiếp theo 1)

Kính thưa quý tôi tớ của Đức Chúa Trời và qúy ông bà anh chị em trong cùng một Cha!
Nhận thấy rằng chúng ta đang ở thời kỳ đầu của sự cuối cùng. Lòng chúng tôi được nung nóng bởi sự thôi thúc của Đức Thánh Linh, nên quyết tâm dành thì giờ để ghi chép lại ân điển của sự cứu chuộc, tình yêu không hề thay đổi của Đức Chúa Trời qua Cứu Chúa Jê-sus. Ước mong của chúng tôi là được cùng quý tôi tớ của Chúa và con dân của Ngài có thêm một dịp nữa dâng lên Đức Chúa Trời những lời ngợi ca và cảm tạ về sự nhơn lành của Ngài.    Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng rằng những tấm lòng lạnh lẽo sẽ được hâm nóng lại, những nghi ngờ về quyền năng và tình yêu của Chúa sẽ tan biến, những vết thương và khổ nạn của những người đang hầu việc Ngài sẽ được ràng rịt, băng bó bởi sự yêu thương che chở trong bóng cánh toàn năng, mà cuộc đời theo Chúa của bản thân chúng tôi là những bằng cớ thật rõ ràng.

     Tạ ơn Chúa vì Ngài đã dùng MS Chu Toàn Thắng Và Thầy Nguyễn Quốc Hưng cùng giúp sức với chúng tôi nhiệt tình post lên những bài làm chứng này đến với quý vị và các bạn. Xin qúy vị và các bạn tự do thoải mái gửi đến cho nhiều người, nhất là những người chưa biết Chúa có dịp đọc đến.

    Mong mỏi cuối cùng của chúng tôi là nguyền xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời dùng mỗi đời sống của chúng ta để rao báo về Tin lành cứu rỗi cho muôn dân, bởi vì ngày Chúa tái lâm không còn xa nữa. Amen!

     Pastor The Van Le

     Sandiego, CA 

     Email: thevanle1711@yahoo.com



        

         Đức Chúa Trời ở Korea (tiếp theo)

           

       6.   Bệnh Viện Jê-sus

   Một sáng nọ, tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Như thường lệ, tôi ngồi ở bực tam cấp đầu cầu thang tập thể dục. Đang khi luyện hai bắp tay của mình, bỗng nghe tiếng người bạn Hàn gọi.  Tôi đứng lên bước vào bên trong phòng của anh ta.  Tôi ngồi xuống giường nệm, tay vẫn cầm cái lò xo bằng sắt vẫn cứ bóp vào, thả ra đều đặn. Nào ngờ, cái nệm mềm quá, mất thăng bằng tôi té nghiêng, nên thanh sắt bung khỏi bàn tay đập mạnh vào con mắt. Tôi thét lên một tiếng vì quá đỗi đau đớn, buốt nhức tận trên màng óc.  Tôi không thấy gì nữa cả. Người bạn Hàn hốt hoảng:

- Are you ok? Are you ok? (Anh không sao chứ?)

- I don’t see anything! (Tôi chẳng thấy gì cả!)

Rồi anh ấy gọi xe đưa tôi vào bệnh viện.

  Tôi được đưa vào phòng cấp cứu với con mắt sưng húp bầm tím. Sau khi khám xong, bác sĩ cho biết phải giải phẫu ngay lập tức; nếu không sẽ nguy hại cho cả đôi mắt. Tôi bàng hoàng như cơn mơ và trả lời dứt khoát với bác sĩ rằng:

-         Không, tôi không muốn giải phẫu, thưa bác sĩ. Chúa Jê-sus sẽ chữa lành cho tôi nhất định.  Bác sĩ không nói gì có lẽ ông thất vọng bước ra khỏi phòng.

Tôi ở lại trong phòng một mình cho đến ngày hôm sau. Mục sư Choi vào thăm thật sớm.  Ông nhỏ nhẹ khuyên tôi hãy để cho bác sĩ giải phẫu. Nếu không, tôi sẽ phải bị trả về trường và không ai chữa trị cho mình.  Nghe lời ông, tôi miễn cưỡng chấp nhận.

 Tôi tỉnh dậy sau hơn sáu tiếng đồng hồ hôn mê.  Đầu nhức như búa bổ. Tôi được đưa vào căn phòng chật ních người, chuyện trò huyên náo. Suốt mấy đêm liền, tôi không thể nào chợp mắt được vì bác sĩ buộc phải nằm sấp xuống giường sau khi mổ.

 Đây là bệnh viện có tên Jesus Hospital nằm gần nhà thờ của giáo sư A-đam, nơi tôi thường nhóm lại những chiều Chúa nhật.  Đã bao nhiêu lần bách bộ ngang qua chỗ này, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày phải bước vào đây.  Từ sâu thẳm trong lòng tôi rất sợ bệnh viện.  Các bác sĩ và y tá ở đây rất nhân từ.  Họ chăm sóc bệnh nhân tử tế. Mỗi người toát ra một tình yêu đầy trắc ẩn.  Tuy nhiên, vì quá đau đớn trước tai nạn bất ngờ, và lo lắng cho đôi mắt, nên trong lòng bất an.  Nhưng, Đức Chúa Trời không để tôi cô đơn. Ngài khiến cho các Mục sư, con cái Chúa từ Hội Thánh Jê-bôn, An-ti-ốt và những nhóm anh em người Việt mà chúng tôi giúp họ học Kinh Thánh thường xuyên thăm viếng. Các bạn cùng lớp của tôi thay phiên nhau túc trực bên giường.  Những cặp vợ chồng là bác sĩ, giáo sư, sinh viên trong Chúa cũng đến thăm và cầu nguyện cho tôi mỗi ngày.  Mục sư Choi chiều nào cũng ghé thăm. Ông ôm tôi vào lòng thổn thức kêu nài với Chúa.  Tiếng Hàn, tôi chỉ hiểu được đôi chút, nhưng bởi Thánh Linh tôi cảm nhận một điều là ông rất xót xa trước hoạn nạn của tôi. Ông nài nỉ kêu xin Chúa chữa lành và dâng trình hoàn cảnh tôi lên cho Đức Chúa Trời.  Ông kêu gào với Chúa với tất cả nỗi lòng mình: “Ha-na-nim, Ha-na-nim! Cam- xa ha-mi-ta!  Mỗi khi vào thăm, ông thường mang đến cho tôi bánh xà phòng tắm dở dang còn một nửa, hay những bộ áo quần lót mới toanh. Ông nói với tôi rằng nếu tôi ở bệnh viện một tuần, ông sẽ ở bên tôi một tuần. Nếu tôi ở một tháng, ông cũng sẽ ở bên tôi một tháng. Đúng như vậy, ông là người bạn thân thiết, là đầy tớ của Đức Chúa Trời đúng nghĩa. Ông đối xử với tôi như người anh em cốt nhục.  Dầu buồn thảm với nỗi cô đơn và lo sợ, nhưng có ông bên cạnh lòng tôi được sưởi ấm bởi tình yêu ngọt ngào mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong lòng ông.

       Một lần nọ, không còn chịu nổi cái không khí ngột ngạt trong căn phòng đông đúc người bệnh, tôi đi bằng chiếc xe lăn tay, xuống mấy tầng lầu để lẻn ra bên ngoài hít thở chút không khí trong lành. Đang ngồi thơ thẩn nghĩ đến gia đình mình ở Việt Nam, tôi tự trách mình bao nhiêu thứ.  Tôi cảm thấy trĩu nặng tâm hồn với nỗi nhớ nhung vợ con da diết, kèm theo sự giày vò trong cơn đau xác thịt. 

Trời Chonju, những buổi chiều đầy mây và giá buốt. Bao nhiêu buổi chiều như thế đã đi qua.  Trên đồi cao nhìn xuống những con đường lờ mờ trong lớp sương rơi.  Hoàng hôn phủ xuống rất nhanh và bóng tối bỗng chốc vây quanh chiếc xe lăn của mình.  Tôi gục đầu xuống gối để khóc cùng Chúa.  Tôi thật sự bi quan!

Trong cái ánh sáng lờ mờ ấy, Mục sư Choi lại xuất hiện. Ông mỉm cười đẩy chiếc xe tôi vào trong, và trao cho tôi một thùng cà chua đóng hộp. Ông đưa tôi trở lên thang máy về phòng. Ông ngồi xuống bên giường, ôm tôi vào lòng như ôm “đứa con” bé bỏng. Ông bắt đầu cầu nguyện kêu xin cùng Chúa.  Trong vòng tay yêu thương của ông, tôi thổn thức khóc và biết ơn Đức Chúa Trời.  Trong suốt hai tuần lễ, đêm nào tôi cũng trải qua những ác mộng đầy sự chết chóc và kinh hoàng!  Mỗi ngày đi qua, trên đầu tôi một giải khăn trắng quấn trên đôi mắt nhức nhối với bóng tối mịt mờ. Những loạt âm thanh từ chiếc chuông tay lốc cốc của người đưa cơm buổi sáng đánh thức tôi dậy trước năm giờ.  Tôi mệt mỏi, hao mòn trong những hy vọng mong manh…

 Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của tình yêu và nhơn từ, Ngài đã nghe thấu nỗi đau đớn tận cùng của đưá con yếu đuối. Cho nên, Ngài lo liệu, chăm sóc mọi bề.  Ngài cho roi vọt để chính Ngài ràng rịt vết thương. Ngài trui rèn trong lửa thử thách để dùng làm công cụ cho công việc của Ngài trong những ngày hầu đến…


                                                                                                   Ảnh 1: MS Choi và tác giả
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi!

“Tôi kêu cầu cùng Chúa, và Chúa chữa lành tôi

“Hỡi Đức Giê-hô-va Ngài đã đem linh hồn tôi khỏi Âm phủ,

Gìn giữ mạng sống tôi, hầu tôi không xuốngcái huyệt…

“Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy hát ngợi khen Ngài,

“Cảm tạ sự kỷ niệm thánh của Ngài

“Vì sự giận Ngài chỉ trong một lúc

“Còn ơn của Ngài có trọn một đời: Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, Nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.

                               (Thi Thiên 30: 3,4,5)



          7. Lời Chúa Chữa Lành



          Tờ mờ sáng, Mục sư Choi đã đến bệnh viện để đưa tôi về trường. Tôi được xuất viện. Con đường cái quang hốm ấy rộng thêng thang cho tôi cái cảm giác thật bao la về tình yêu của Đức Chúa Trời. Tôi giống như con chim bị nhốt trong lồng suốt hai tuần lễ.  Bây giờ, được Chúa mở cửa lồng cho ra ngoài, lòng tôi sung sướng vô biên, muốn được cất cao đôi cánh tung bay. Hai bên đường là những dãy núi màu xanh bạc bị che khuất trong màn sương dày đặc.  Tôi phải mang kính đen vì mắt hãy còn băng vải và nhức nhối. Mục sư Choi nói với tôi giọng êm đềm:

-         Hôm nay chắc thầy vui lắm phải không?

-         Vâng, thưa Mục sư, bây giờ tôi mới cảm thấy giá trị sức khoẻ là gì!                                                                              Ảnh 2: Tác giả

-         Có như vậy, chúng ta mới biết đếm từng ngày trong ơn Chúa.

  Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã rẽ vào cổng trường Viện Thần Học. Nhìn lên dốc núi, ngôi trường màu gạch đỏ vẫn hồn nhiên trải qua bao năm tháng thăng trầm.  Tôi bước vào phòng trọ, đứng bên khung cửa sổ mở rộng trong lớp kính màu đục, nhìn theo bóng dáng chiếc xe hơi màu trắng của Mục sư Choi dần khuất.  Tôi quỳ xuống dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời.  Sau đó, bách bộ đến nhà ăn nằm ở tận phía bên kia sân bóng, dưới những quả đồi đầy những cây hoa anh đào san sát nhau; mùa xuân rực rỡ, mùa đông úa tàn trơ trụi.

 Trên đường đi, gặp Mục sư Thomas. Anh ôm chầm lấy tôi vui mừng:

      -  Praise the Lord! Bạn đã về.

Bỗng dưng anh nhìn tôi ái ngại, giọng buồn bã:

-         Mình nghe nói phần ăn của cậu và cả tiền phụ cấp đã bị cắt rồi!

-         Thật sao? Ai cắt vậy, bạn Thomas?

-         Bà giáo sư cố vấn của cậu đấy. Vì sao cậu biết không, bà nói cậu đã có bệnh viện và Hội Thánh Hàn lo rồi, nên khoa sinh viên quốc tế không cần lo cho cậu nữa! Mục sư Thomas nắm tay tôi kéo đi:

-         Thôi về phòng đi, ở tầng hầm còn đồ ăn đấy.

-         Không sao đâu anh bạn yêu quý của tôi.  Tôi cũng không đói lắm.

Rồi những ngày nối tiếp nhau đi qua, thời tiết càng thêm lạnh lẽo, nỗi cô đơn lại lớn dần.

Đêm đến, nghe tiếng chim kêu trong khu rừng phía sau nhà trọ đơn độc đến não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng khóc của người con gái từ nơi cầu nguyện ở Chapel vọng ra như nài nỉ kêu xin với Chúa điều gì.  Tôi cảm thấy thật trống trải và trái tim bị nỗi buồn xâm chiếm. Mỗi lúc như vậy, tôi càng chiến đấu nhiều hơn trong sự quỳ gối để xin Chúa lấp đầy những khoảng trống vắng.  Hơn bao giờ hết, tôi nhận ra kinh nghiệm vô cùng quan trọng đó là mối thông công thiết hữu với Chúa; và chính Lời của Ngài là liều thuốc có quyền năng chữa lành những vết thương lòng. Càng đau khổ, hãy càng bám riết lấy Chúa:

                       Xin Chúa cứu giúp chúng tôi khỏi sự gian truân;

          “Vì sự cứu giúp của loài người là hư không.”

                                  (Thi Thiên 60:11)

           Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi;

           “Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rung động”

                                  (Thi Thiên 55: 22)

      Mục sư Choi vẫn thường đến thăm tôi vào những ngày đầu tuần; đưa tôi đi ăn bên ngoài để bồi dưỡng những hao mòn sau những ngày trong bệnh viện. Các giáo sư người Hàn vẫn thường ghé phòng tôi cầu nguyện trước khi đến lớp. Nhiều vị giáo sư là con cái Chúa ở các trường khác thỉnh thoảng vẫn ghé thăm. Nhiều anh em cùng trường cũng hay ghé vào mua cho  cái thẻ điện thoại quốc tế, hay chở tôi đi bưu điện để nói chuyện với gia đình.

    

     Trời Korea đã thật sự vào đông, thời tiết mỗi ngày thêm lạnh lẽo buốt xương.  Tôi không thể nào học được nữa.  Thỉnh thoảng tôi vẫn đến lớp với anh em, nhưng vì con mắt nhức nhối không đọc được gì từ sách vở, cũng chẳng có thể làm bài nộp cho các giáo sư. Chính vì vậy, tôi có cảm tưởng dường như những người chung quanh mình ai cũng muốn xa lánh, bởi vì mình đã trở nên người vô dụng!

          Chúa khiến những kẻ quen biết tôi lìa xa tôi,

   “Làm tôi thành một vật gớm ghiếc cho họ

                  (Thi Thiên 88: 8)

  Thật ra, không phải vậy. Đó chỉ là thoáng tình cảm vị kỷ, đáng ghét! Tôi liền ăn năn với Chúa. Trong hiện tại, có hàng nghìn hàng vạn người đang đói rách, khốn khổ. Họ thiếu ăn, thiếu mặc, đau không thuốc chữa, đêm không có chỗ nằm. Mình quá phước hạnh không có gì để than vãn!    

 Những anh em cùng lớp đang chuẩn bị tài liệu viết luận án cho ngày tốt nghiệp. Còn tôi không còn đủ tâm trí để nghĩ đến chuyện học hành. Mỗi sáng, tôi cố dậy sớm ra bên ngoài tập hít thở không khí, rồi tìm một tảng đá nào đó ngồi xuống để cầu nguyện cùng Chúa.  Tháng ngày vẫn cứ lặng lẽ đi qua.  Tôi thường lên thư viện để viết email về cho gia đình chuyện trò với vợ con cho vơi bớt nỗi buồn.  Cũng chính vì vậy, mà mắt tôi bị chảy máu nhiều lần phải vào bệnh viện cấp cứu.

 Không thể nào kéo lê thêm những ngày vô vị và trống rỗng, nên tôi xin giáo sư khoa trưởng cho tôi được trở về Việt Nam để có điều kiện nghỉ ngơi và có vợ con chăm sóc. Ông đồng ý.  Thế là tôi dùng tất cả số tiền của con cái Chúa giúp đỡ, mua đủ một vé máy bay trở về Đà Nẵng, thành phố quê hương nơi mà vợ con tôi đang sinh sống.

       8. Trái Tim Người Vợ

 Mục sư Thomas đưa tôi từ trường đến phi trường Incheon mất bốn tiếng bằng xe buýt. Tôi phải ngồi đợi ở đó đến chiều tối mới đáp chuyến bay về Sài- Gòn.

Tôi là người cuối cùng ra khỏi chỗ lấy hành lý. Hai chiếc va-li nặng trì đầy ắp những áo quần và đồ đạc linh tinh mà tôi đã mua nhiều tháng trước đó, mong có ngày đem về tặng cho vợ con, những đầy tớ Chúa và bạn bè.  Từ đàng xa tôi đã nhìn thấy Phượng trong bộ áo quần màu kem nhìn tôi mỉm cười. Bước vội ra ngoài, chúng tôi chỉ kịp quàng nhẹ vai nhau rồi leo lên một chiếc taxi chạy về một khách sạn nhỏ.

Nhờ người bồi phòng đem hành lý vào bên trong, tôi nói khẽ với Phượng:

-         Anh thèm phở lắm. Mình ăn một tô rồi hãy lên phòng.

-         Ừ thì ăn, em cũng đói bụng.                                
                                                                                                                           Ảnh 3: Phượng

        Chúng tôi lại ngồi với nhau bên chiếc xe bán phở vỉa hè gần khách sạn. Mùi rau quế bốc lên quyện lẫn trong mùi thơm của nước phở, tôi ăn một lượt hai tô. Phượng trố mắt nhìn tôi thích thú. Đó là những tô phở có lẽ ngon nhất trong đời.

      Đêm ấy, chúng tôi quỳ gối bên nhau trong niềm hạnh phúc để dâng lời tạ ơn Chúa. Sau gần một năm xa cách, chúng tôi có bao nhiêu là chuyện để tâm tình. Thời gian này Chúa cho chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần có nhau biết bao nhiêu. Phượng ở nhà phần thì thay tôi điều hành Trung tâm Giảng dạy Ngoại ngữ trong một thời gian khá vất vả, phần thì chăm sóc con cái, phần nhớ thương chồng trong hoạn nạn ở xứ người. Trái tìm của Phượng đã chia làm nhiều nơi nên dáng nét hao mòn.

      Tôi nắm bàn tay Phượng thổn thức, không nói nên lời. Tiếng chuông đồng hồ trên tường vẫn gõ đều lách cách. Có lẽ đêm đã khuya khoắc…

 

       Mười giờ sáng hôm sau chúng tôi đáp tắc-xi đến văn phòng của một bác sĩ mắt nổi tiếng tại Sàigòn, vì nếu được chữa lành ở đây, tôi sẽ không trở lại Hàn Quốc nữa.

Sau khi khám xong, bác sĩ kéo nhẹ tay tôi nói nhỏ với cặp mắt ngưỡng mộ, khâm phục trước tấm lòng của người phụ nữ:

-         Anh là người hạnh phúc nhất trên đời!

-         Bác sĩ nói gì tôi không hiểu.

-         Tôi chưa nói về con mắt của anh, nhưng tôi muốn nói về trái tim của chị.

-         Là sao ạ, bác sĩ muốn nói gì?

-         Chị nhà nói với tôi trước khi khám cho anh, nếu như con mắt anh có điều gì không ổn, chị ấy đổi con mắt cho anh nếu như tôi có thể giải phẫu và thay được. Chị nói rằng anh cần phải làm nhiểu việc hơn là chị. Anh quả thật diễm phúc!

Nghe những lời này, nước mắt tôi ưá ra cầm tay Phượng. Nhìn sâu vào đôi mắt thân yêu của người vợ mà Đức Chúa Trời đã ban cho, tôi không đủ lời để tạ ơn Ngài. Tôi tự nhủ lòng mình: “Dẫu rằng anh có bị mù đi, thì anh vẫn cảm thấy mình quá phước hạnh vì có em bên anh.”

                Nhà thơ Xuân Quỳnh đã thốt lên:

          Không gì bằng được sống gần nhau

         “Niềm hạnh phúc với em là lớn lắm.”   

 Sách Nhã Ca có chép: (4:7)

        Hỡi bạn ta, mình vốn xinh đẹp mọi bề,

       “Nơi mình chẳng có tì vết gì cả.”

9. Chúa Đáp Lời Trong Lúc Gian Truân
      Tôi trở lại Chonju vào một ngày tháng hai, lạnh cóng.  Tuyết rơi ngập sân trường.  Tôi khom mình xuống lầm lủi bước đi trong rét mướt. Khó khăn lắm, tôi mới lên được các bậc tam cấp cao nghều và trơn trợt để vào trình diện giáo sư khoa trưởng trong văn phòng riêng của ông.  Gặp lại tôi, ông chỉ gật đầu cho có lệ. Còn bà Carol Chu ngước mắt nhìn tôi “phán” một câu lạnh lùng:
-    Cậu có mang theo năm nghìn đô- la đó không?
-    Dạ không, thưa giáo sư.  Tôi chỉ có ba trăm đô-la
-   Vậy thì hãy về lại Việt Nam đi! Nhà trường không trả tiền cho cậu lần thứ hai nữa. 
-  Thưa giáo sư! Tôi về nhà dưỡng bệnh, chứ đâu có làm gì để có được số tiền như vậy.
-  Cậu không chấp hành yêu cầu của trường, chúng tôi không biết đến cậu nữa!
Biết nói gì hơn, tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng của ông bà.  Trái tim tôi co thắt và quá đỗi ngạc nhiên trước thái độ thay đổi kỳ quặc và lời nói lạnh lùng của những giáo sư mình.  Tôi lững chững bước xuống những tam cấp đầy tuyết giá và ngửa mặt lên trời để kêu xin cùng Chúa:        “Chúa ôi! Xin hãy thương xót con! Con khốn cùng và thiếu thốn.”
Tôi vừa đi xuống phòng trọ vừa khóc.  Bỗng tôi nghe một giọng nói quen thuộc của giáo sư Yu-Té-Yu, người Hàn.  Ông là người vẫn thường đến thăm viếng tôi trong những ngày ở bệnh viện, cũng như lúc về phòng trọ.
- Teacher Té phải không, em qua lại đây khi nào? Ông nói tiếng Anh rất giỏi và vội vàng chạy đến nắm tay tôi. Ông lo lắng hỏi:
- Sao em khóc?
- Thưa giáo sư… chắc em phải trờ về lại Việt Nam. Giáo sư Chu bảo như vậy.
- Tại sao bà ấy lại ra lệnh như thế chứ? Ông có vẻ không vui.
- Vì em không có năm nghìn đô la để đóng cho bệnh viện trong lần mổ thứ nhì sắp tới.
Giáo sư Yu-Té-Yu ôm tôi vào lòng thật chặt.  Từ nơi ông, toát ra hơi ấm của tình người và tình yêu trong Chúa:
- Ồ! Có gì đâu, Chúa của chúng ta giàu có lắm, em biết không? Đừng lo lắng làm gì! Đi với tôi lên Chapel chúng ta cùng nhau cầu nguyện.  Tay tôi trong tay ông cùng qùy gối để trình dâng nan đề lên cho Đức Chúa Trời.
  Trên đồi cao nhìn xuống thung lũng, những cây cối trơ trụi phủ trắng trong những bông hoa tuyết.  Không khí vắng lặng đến rợn người.  Bên ngoài, rét mướt tràn cứ vào những khe cửa.  Tiếng cầu nguyện thiết tha của hai thầy trò dường như xua tan đi cái giá buốt.  Tình yêu và niềm tin quyết của hai mái đầu cùng với sự khát khao Chúa làm cho chúng tôi mạnh mẽ như chàng Đa-vít dũng cảm thuở xưa trước người khổng lồ Gô-li-át.
    “Đa-vít đáp cùng người Phi-li-tin rằng: Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà người đã sỉ nhục…Khắp thế gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân lính này sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta.”
                                                        (I Samu-ên 17: 45)
 Vâng, đức tin và sự nhờ cậy Chúa khiến hai thầy trò chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ lạ thường.  Chúng tôi nhận diện được kẻ thù là ma quỷ của thế giới tối tăm, nên phải lấy lời của Đức Chúa Trời và sự quỳ gối mà cự địch lại chúng nó.
Cầu nguyện xong, tâm hồn tôi thanh thóat và cảm nhận được rằng bảo hiểm y tế đã được Đức Chúa Trời trả xong. Bước xuống cầu thang, tôi nhìn lên trên tường, một bức chân dung tuyệt đẹp của một hoạ sĩ nào đó, vẽ Chúa Jê-sus với đôi mắt buồn xa xăm cùng những giọt máu đào nhỏ xuống. Lòng tôi rung động và biết ơn Ngài.

 Những ngày trở lại trường, tôi phải tự túc lo mọi thứ vì các tiêu chuẩn trợ cấp đã bị cắt hết. Bây giờ tôi mới hiểu ra một điều thật chua xót.  Ông bà giáo sư khoa trưởng thật sự muốn xua đuổi tôi đi ra khỏi trường để không phải mang lấy gánh nặng. Thảo nào, từ ngày tôi vào bệnh viện cho đến khi xuất viện, giáo sư khoa trưởng chỉ ghé thăm một lần duy nhất.  Còn bà Chu, giáo sư cố vấn của tôi vẫn biệt tăm chưa một lần nào ghé thăm, cũng không bao giờ gọi một cú điện thoại! Tôi có buồn nhưng không hề oán trách bởi vì tôi tin chắc đây là chương trình của Đức Chúa Trời.  Ngài để cho những hoàn cảnh nghiệt ngã ấy xảy ra hầu giúp tôi chiêm ngưỡng được tình yêu vĩ đại và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. Quả thật như vậy, từ trên cao Đức Chúa Trời nhìn thấy tất cả. Ngài rủ lòng thương xót đứa con tội nghiệp của Ngài đang sống trong cô đơn và cùng khốn, không biết ngày mai sẽ như thế nào! Đức Chúa Trời lại có một chương trình tiếp trợ đặc biệt khác.  Ngài sai các tôi trai tớ gái của Ngài từ Hội Thánh Jê-bôn, An-ti-ốt đến thăm viếng và chia sẻ thực phẩm cho tôi. Những giáo sư người Hàn và sinh viên của trường Hanil đến thăm tôi mỗi ngày trước và sau giờ học. Có anh em đã cởi chiếc áo lạnh đang mặc choàng lên vai tôi cho đỡ cóng. Người khác chia đôi phần ăn của họ cho tôi một nửa.  Đức Chúa Trời dùng một nữ giáo sư đứng tuổi của một trường trong vùng lân cận đến thăm viếng thường xuyên và tận tình giúp đỡ.  Tình yêu của Chúa bao la, bát ngát, mênh mông như đại dương.
   Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay!
   “Vì Ngài đã nghe tiếng cầu khẩn của tôi
   “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và cái khiên của tôi;
   “Lòng tôi đã nhờ cậy Ngài, và tôi được cứu- tiếp;
   “Vì vậy lòng tôi mừng rỡ
    “Tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi khen Ngài.
                                       (Thi Thiên 28:6, 7)

  Buổi sáng hôm ấy là ngày cuối cùng tôi phải rời khỏi Viện Thàn Học, vì dường như có một sự xô đuổi im lặng.  Tôi bưng tô mì tôm trong tay nhưng không thể nào nuốt nổi. Nước mắt đã hoà tan trong đó.  Chỉ còn vài chục phút nữa là tôi phải ra bến xe buýt để đến phi trường In-chi-on.  Mắt tôi không rời chiếc điện thoại để bàn và trong lòng thiết tha mong đợi sự trả lời từ nơi Chúa.  Từ sâu thẳm trong lòng, tôi nhận được tín hiệu rằng Ngài sẽ đáp lời kịp lúc.  Một lần nữa, tôi nhìn xung quanh khung cảnh của phòng trọ, nhưng tâm trí vẫn cứ bám riết Chúa trong sự chờ đợi khát khao.  Tôi tin chắc rằng sẽ có cú điện thoại từ văn phòng thông báo lệnh của Đức Chúa Trời, Đấng đang vận hành trên mọi sự và Ngài sẽ bênh vực cho tôi.  Không hề sai, chuông điện thoại đổ vang, tôi nhắc lên và nghe giọng cô Park-Man- Duck:
Teacher The! Chuẩn bị lên bệnh viện để giải phẫu nghen! Họ vừa thông báo cho tôi biết. Chúc mừng anh!
Tôi nhảy lên, và ném tô mì vào giỏ rác.  Đức Chúa Trời của tôi tuyệt diệu quá!  Ngài đã bênh vực duyên cớ tôi.  Ngài đã và đang  nắm cánh tay tôi dắt đi từng bước.  Tôi còn phải sợ ai nữa chứ? Từng tế bào trong da thịt trào lên sức sống mới và cảm thấy mạnh mẽ lạ thường.  Tôi có cảm giác như mình đã được chữa lành ngay lúc đó vì có Đấng quyền năng tiếp sức.
Mấy phút sau, một người bạn lái xe đưa tôi vào bệnh viện. Lòng tôi ấm áp không sợ hãi nữa, mặc dầu tuyết vẫn cứ rơi đều. Nhiệt độ âm xuống thấp dưới mười lăm. 
Sau này, tôi được biết chính Đức Chúa Trời dùng giáo sư Yu-Té-Yu và Hội Thánh nơi ông sinh hoạt, gửi năm nghìn đô la cho bệnh viện Jê-sus, để tôi được giải phẫu lần này.  Tạ ơn Chúa! Con lớn tiếng ngợi khen Ngài!

Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi:
“Tôi sẽ sợ ai?
“Đức Giê-hô-va là đồn lũy của mạng sống tôi:
“Tôi sẽ hãi hùng ai?”
                              (Thi Thiên 27: 1)
Ngươi sẽ bước đi trên sư tử và rắn hổ- mang;
“Còn sư tử tơ và con rắn, ngươi sẽ giày đạp dưới chơn.
“Bởi vì người trìu mến ta, nên ta giải cứu người;
“Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta.
“Người sẽ kêu cầu ta, ta sẽ đáp lời người;
“Trong sự gian truân ta sẽ ở cùng người;
“Giải cứu người và tôn vinh người.”
                            (Thi Thiên 91: 13, 14, 15)

       Tôi nhớ đến lời phán hứa của Đức Chúa Trời cùng Giô-suê khi chinh phục xứ Ca-na-an khiến lòng tôi thêm mạnh mẽ:

  Ta há không có phán dặn ngươi sao?  Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.”
                                (Giô-suê 1: 9)

Từ Seoul, cô Kim Mỹ một con cái Chúa biết được tin này; cô đi xe buýt hơn năm tiếng đồng hồ để đến bệnh viện. Cùng với mục sư Thomas, người bạn Ấn Độ của tôi, họ thức suốt đêm bên giường bệnh để chăm sóc. Cô Kim Mỹ và tôi quen biết nhau tại một đám cưới ở Chonju.  Chúng tôi dễ thân mến nhau vì đồng cảnh ngộ, là những sinh viên du học và là con cùng một Cha trên trời.
Tôi tỉnh lại sau khi thuốc gây mê không còn tác dụng nữa. Một đám người vây quanh: Giáo sư người Đức Ingo Holzapfel, Mục sư Choi, Mục sư Yoong Jae Deok, Jun-li-u người bạn đến từ Myamar, chị Xơ-xoong-Nghe và một số con cái Chúa nơi tôi nhóm lại.  Đầu nặng như đá, mắt nhức nhối dưới miếng băng vải mùng.  Không khí bệnh viện khó thở.  Tôi gật đầu cảm ơn mọi người, rồi tiếp tục úp mặt xuống nệm theo lời dặn bác sĩ. Bên tai tôi, những lời cầu nguyện thì thào cùng với những tiếng hát thật khẽ ngợi ca Chúa:

Dù không biết ngày mai sẽ thế nào
Tôi chỉ sống nếp sống mỗi ngày
Tôi không mơ nơi sang giàu huy hoàng
Chân trời tím đổi thay nào hay
Lòng không lo ngày sau sẽ thế nào
Tôi chỉ nghe tiếng Chúa nhủ khuyên
Ta đang đi với con trong cuộc đời
Vì Ta biết trước con mọi điều
Tương lai tôi còn có bao lo buồn
Nhưng tâm hồn vẫn luôn bình an
Vì tôi biết Chúa nắm tương lai mình
Và tôi biết người đi trước tôi.

Âm thanh dìu dặt, nhẹ nhàng đưa tôi vào một thế giới khác, dường như không phải là trần gian.  Có lẽ đó là thiêng đàng vinh hiển, mà nơi đó không bệnh tật, hoạn nạn hay buồn đau…

      (Cầu Xin Chúa ban phước cho quý ông bà anh chị em đã đọc đến đây.  Câu chuyện còn tiếp vào kỳ tới với nhiều phép lạ ngoạn mục.  Quý vị sẽ kinh nghiệm được sự hiện diện của Đức Chúa Trời chẳng khác nào Chúa Jê-sus đã hiện ra cùng với các môn đồ của Ngài sau khi Ngài sống lại.)
        Mục sư  Lê Văn Thể
   

        



                                

                                   



              



    

Không có nhận xét nào: