Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Tác Giả và Tác Phẩm


*(mondoJesus.blogspot.com)  Để hiểu một tác phẩm chính xác, sinh động, ý nghĩa, và giá trị, ta cần chính tác giả giải thích. 

Nhìn bức tranh bên, bạn có thể đoán nhiều ý về câu chuyện đứa con hoang đàng trở về nhà cha trong Lu-ca 15.  Nhưng chỉ tác giả họa sĩ Rembrandt van Rijn mới có thể giải thích chính xác và sâu sắc những chi tiết, chẳng hạn như người đàn rất mờ đứng góc trái trên.

Chung quanh ta có biết bao tác phẩm tuyệt hảo nhân tạo về mọi lãnh vực: hội họa, nhiếp ảnh, nhạc thơ, kiến trúc, cơ khí, khoa học, vân vân.  Hơn thế nữa là các tác phẩm thiên tạo: hoa, bướm, núi, sông, và vô vàn tạo vật. 

Nghe Toyota là nghĩ tới Japan, nghe Huynda là Korea, nghe GM là Mỹ.  Tức là, nhìn sản phẩm thì thấy nhà sản xuất, nhìn tác phẩm thì thấy tác giả.

Vậy nghe chim hoàng oanh thì sao?  Là Pháp sản xuất, hay thiên nhiên sản xuất, hay Thiên Chúa sản xuất?  Nghe Vịnh Hạ Long thi sao?  Là người Việt kiến tạo  hay Thiên Chúa sáng tạo?

Thế nên, nếu chúng ta tập được thói quen nhìn tác phẩm rồi nối kết với tác giả, thì chúng ta sẽ thưởng thức tác phẩm chính xác hơn, đúng nghĩa hơn, và sâu sắc hơn.  Nghĩa là, chúng ta sẽ sống đúng đắn hơn, ý nghĩa hơn và phong phú hơn.   Đời sống chúng ta sẽ thăng hoa từ thấp lên cao, từ cằn cỗi lên tươi mới, từ nắng hạn lên bóng mát, từ chim sẻ lên chim ưng, từ đất lên trời, và từ tạo vật lên Đấng Sáng Tạo. 

Đó là thói quen của Chúa Giê-su. 

Chúa Giê-su nhìn chim trời để thấy Cha Trời, nhìn hoa đồng để thấy Đấng Quan Phòng.  “Hãy xem loài chim trời . . . Cha các ngươi trên trời nuôi nó . . . Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng . . . Dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó” (Ma-thi-ơ 6:26-29). 

Chúa Giê-su kết nối âm nhạc với Cha Trời khi Ngài hát thánh ca thậm chí lúc sắp lãnh án tử hình (Ma-thi-ơ 26:30).

Chúa Giê-su kết nối đồ ăn thức uống với Cha Trời nên Ngài luôn tạ ơn rồi ăn (Ma-thi-ơ 26:26).

Chúa Giê-su kết nối hành động và suy nghĩ của Ngài với Cha Trời khi xác định, “Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha Ta đã dạy” (Giăng 8:28).  

Càng thấu hiểu tác phẩm sẽ càng bái phục tác giả.  Tức là, càng thấu hiểu tác giả sẽ càng chiêm ngưỡng được tác phẩm.  

Bây giờ, bạn đừng đọc nữa.  Hãy đi ngắm một đóa hoa dại ven đường trước cửa nhà mà bấy lâu bạn đã không biết nó ở đó.  Hãy ngằm từng đường vân nét chỉ và hít từng hơi thở  từ hoa.  Nếu chẳng may bạn đang ở xóm chật hẹp với một tấc đất là một tấc vàng, không sao, hãy nhìn chim trời bay lượn giữa bầu trời xanh thăm thẳm, giăng giăng đây đó cụm mây trắng hoặc áng mây hồng, hoặc những bình minh nắng dội hoặc những hoàng hôn tím trời.

Đừng suy nghĩ, đừng phân tích, đừng hỏi han, chỉ đứng ngắm vẻ đẹp từ những tác phẩm ấy.  (Hơn cả bạn đang ngắm nghía trầm trồ chiếc Roll Royce đời mới giá $1.5 triệu US!)

Hai ngày liền bạn tập chiêm ngưỡng tác phẩm thiên nhiên như vậy, rồi ngày thứ ba, bạn sẽ thấy xuất hiện xa xa Tác Giả thật của những tác phẩm tuyệt với ấy.

Như bước vào viện bảo tàng nhìn di tích lịch sử để biết nguyên nhân sự việc, thì bước vào thiên nhiên nhìn tạo vật vũ trụ để biết nguyên cội sự vật. 

Rồi cuộc đời bạn sẽ phong phú vô cùng vì biết kết nối tác phẩm và tác giả.  Bạn sẽ tận hưởng từng giây phút thưởng thức đời sống không chỉ qua đồ ăn thức uống, nhưng còn qua hoa đồng cỏ nội, qua bầy chim tung cánh, qua bầu trời xanh thắm, và nhất là, có lẽ lần đầu tiên trong đời bạn sẽ biết yêu thương con người mang hình ảnh Thiên Chúa, là Nghệ Sĩ của mọi nghệ sĩ.

Và bạn sẽ hiểu thế nào là “vui mừng mãi mãi” và “cầu nguyện không thôi” như Phao-lô đã kinh nghiệm (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16, 17) cho dù bạn đang ở nơi nhà cao cửa rộng, hay chốn đồng không mông quạnh, hay bi đát hơn, nơi lao tù cải tạo.  Vì Ngài luôn kết nối với tạo vật của Ngài.

“Các tầng trời rao truyền sự vinh hiển của Thiên Chúa.  Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài.” (Thi Thiên 19:1)

“Các ngươi ra đi trong vui mừng . . . Núi đồi sẽ cất tiếng hát trước mặt các ngươi.  Và tất cả cây cối ngoài đồng sẽ vỗ tay.” (Ê-sai 55:12)



By Thang Chu

March 30, 2012

Không có nhận xét nào: